Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông Tạ Duy Anh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Chung - Phó trưởng ban phụ trách Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Khu làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chỉ đạo tại buổi làm việc.
Trong 3 năm qua, đã có hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên và vận động viên tham gia các hoạt động tại Làng. Riêng trong năm 2019, có 620 lượt nghệ sĩ, diễn viên tham gia các hoạt động cuối tuần, chuyên đề hàng tháng và thường niên. Trong đó, có các Nhà hát: Tuồng, Chèo, Cải Lương, Múa Rối, Liên đoàn Xiếc và các Trường: Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp Kĩ, Đại học Văn hóa Hà Nội…
Các hoạt động tổ chức theo chủ đề vào cuối tuần, hàng tháng mang tính định kỳ thường niên được chia làm 2 nhóm:
Nhóm các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải Lương gắn với các vùng miền Tây bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, ... gắn với những di sản văn hóa do các cộng đồng dân tộc đang gìn giữ và phát huy, được tổ chức theo hình thức trích đoạn.
Nhóm thứ 2 là xiếc và múa rối. Đây là hoạt động hấp dẫn nhất, mỗi lần Liên đoàn Xiếc về Làng biểu diễn, đều thu hút rất đông khán giả đến xem và thưởng thức.
Vừa phát huy các nghệ thuật truyền thống, vừa thu hút khách du lịch là mục đích mà Ban Quản lý Làng muốn hướng tới. Chính vì thế, Ban Quản lý Làng đã phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam xây dựng kế hoạch mô hình thí điểm dựng rạp bạt tại Làng.
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Ngọc Chung báo cáo Thứ trưởng kế hoạch đưa xiếc trở thành một sản phẩm du lịch định hình như một điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến Làng.
Theo ông Trịnh Ngọc Chung, nếu mô hình được triển khai sẽ phát huy hiệu quả, vì hiện nay khu vực Sơn Tây không có bất cứ một thiết chế nhà hát hay tổ chức hoạt động nghệ thuật nào. Trong khi đó, khu vực quanh Làng lại có đến gần 10 đơn vị bộ đội, chưa kể gia đình họ sinh sống quanh ở đó. Ngoài ra, tiếp giáp với Làng Văn hóa là khu vực xã Sơn Đông, xã Cổ Đông có rất nhiều khu Resort. Làng có thể thu hút lượng khách từ các khu vực đó.
Ông Chung cũng cho biết, Ban Quản lý Làng dự định sẽ dựng rạp bạt tại Cổng A. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Làng sẽ di chuyển điểm soát vé dừng chân tại đây. Khách vào Làng chỉ di chuyển bằng xe điện, sau khi tham quan các khu Làng dân tộc, sẽ kết thúc cuộc hành trình bằng việc thưởng thức bộ môn nghệ thuật xiếc.
Biến khu vực Cổng A thành điểm vui chơi giải trí vào buổi tối cuối tuần, tổ chức các chương trình nghệ thuật nhạc điện tử, chương trình Hip-hop của giới trẻ. "Địa điểm này sẽ trở thành điểm biểu diễn phục vụ nghệ thuật chuyên nghiệp cho người dân cũng như khách du lịch xung quanh khu vực Sơn Tây, cũng là mục đích mà Ban Quản lý Làng muốn hướng tới", ông Chung cho biết.
Trong thời gian qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có nhiều hoạt động phối hợp với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức biểu diễn Xiếc phục vụ khách tham quan Làng. Về kế hoạch này, ông Tạ Duy Anh cho biết: Liên đoàn đã cử người xuống khảo sát địa điểm dựng rạp bạt và nhận thấy mô hình thí điểm này hoàn toàn khả thi. Ông Tạ Duy Anh kỳ vọng chương trình không chỉ thu hút được khách du lịch trong nước mà phải thu hút được cả du khách quốc tế. Đồng thời, mong muốn nhận được sự chỉ đạo ủng hộ của Lãnh đạo Bộ.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tán thành với kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm trên của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Lãnh đạo Bộ sẽ luôn ủng hộ việc đưa các bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam giới thiệu tới du khách, trở thành sản phẩm du lịch định hình như một điểm nhấn thu hút khách đến Làng.
Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam khảo sát địa điểm dựng rạp bạt, làm Tờ trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, và triển khai ngay kế hoạch bước đầu.
Đồng thời, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đề nghị Ban Quản lý Làng có buổi làm việc với Nhà hát Múa rối Việt Nam về việc triển khai loại hình nghệ thuật múa rối nước tại Làng; giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn theo sát kế hoạch này: "Đây là thời điểm cần phải làm nhất, khi mà chúng ta có mọi thứ về địa điểm, diễn viên, nguồn nhân lực, cơ chế phối hợp nhịp nhàng, nguồn khách hứa hẹn… Chương trình phải được khởi động trong tháng 8, để hướng tới phục vụ khách du lịch dịp Quốc khánh 2-9”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)