SharePoint
Liên kết web
 
 

Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình

26/06/2020 17:52
(TTCNTT) - Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, PV Báo Tổ quốc đã có cuộc trao đổi với bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình về vấn đề này.

- Thưa bà, chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020 là gì? Bà có thể cho độc giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chủ đề này?

Chủ đề Ngày Gia đình năm 2020 là "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình".

Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển từ những chuẩn mực giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt Nam như: sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái; sự tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em... Cha ông ta luôn dạy con cháu cách giao tiếp ứng xử nhân văn từ khi con cái mới bắt đầu khi hình thành nhân cách. Truyền thống gia đình người Việt Nam đáng quý nhất là dạy con biết "đối nhân xử thế", học trước hết phải học làm người, giáo dục đạo đức con người là gốc, dạy con phải báo hiếu với cha mẹ, con là niềm tự hào của cha mẹ…

Gia đình là nơi bảo tồn lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc. Vì vậy trong giai đoạn hội nhập và phát triển mỗi thành viên trong gia đình không chỉ có trách nhiệm "giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp" mà còn phải "phát huy các giá trị văn hóa truyền thống" bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thế giới để xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại, nhưng vẫn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Những năm gần đây, vấn đề đạo đức, lối sống là một trong những chủ đề nóng thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội? Trong đó, không ít ý kiến cho rằng việc giáo dục đạo đức, lối sống con người Việt Nam cần bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Bà có bình luận gì về quan điểm này?

Giáo dục là một trong những chức năng cơ bản và chủ đạo của gia đình. Chức năng này gắn xuyên suốt cuộc đời của mỗi người, từ giai đoạn mang thai đến khi bước đi những bước đầu tiên trong đời. Chính ông, bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình là những người đầu tiên truyền dạy, rèn luyện, giáo dục nền tảng đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình… Sự quan tâm, giáo dục của mỗi gia đình có ảnh hưởng nhất đến sự hình thành, phát triển nhân cách mỗi người, là những giá trị chuẩn mực để tạo nên những con người sống có ích cho chính gia đình, cộng đồng và xã hội. Thực tế cho thấy, gia đình nào quan tâm, chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách thì trẻ em có xu hướng trở thành người sống có đạo đức, lối sống lành mạnh và ngược lại.

Vụ Gia đình đã tham mưu Bộ trưởng triển khai Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình từ năm 2010 đến nay, bà có thể điểm qua những kết quả đạt được trong 10 năm qua là gì?

Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về gia đình. Trong giai đoạn 2010-2020, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Đề án đã được triển khai, thực hiện trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu chung là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng địa phương.

10 năm qua, 100% các bộ, ngành, địa phương đã triển khai, phối hợp thực hiện Đề án, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của ngành; đồng thời hướng tới giảm thiểu bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng trong gia đình, tạo mối quan hệ gia đình thêm bền chặt, gắn bó, hạn chế những tiêu cực xã hội ảnh hưởng tới gia đình, để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình giai đoạn 2010-2020 của Bộ VHTTDL đã được triển khai hiệu quả với việc xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở; xây dựng, biên tập và nhân bản các tài liệu tuyên truyền; xây dựng chuyên mục truyền thanh định kỳ về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên sóng VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam, các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, các báo, tạp chí Trung ương...

Các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình luôn được lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động truyền thông cao điểm nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Chiến dịch truyền thông Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25/11...

Năm 2020, Bộ VHTTDL sẽ tổng kết trên toàn quốc Đề án giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc. Từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình, theo tinh thần của Nghị quyết 33 của Bộ chính trị.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đánh trống khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam 2019 - Ảnh: Đại Thắng

Ngày 09/6/2020, Bộ Chính trị ra kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nêu rõ: "Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh". Theo bà, những điều kiện đảm bảo nào để gia đình có thể thực hiện được tốt chủ trương nêu trên?

Trước hết, mỗi thành viên trong gia đình đặc biệt là ông, bà, cha, mẹ cần phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho con cháu noi theo. Sẽ rất khó để giáo dục trẻ khi bản thân người lớn mắc những thói hư, tật xấu; Vì thế, bản thân người lớn cũng như trẻ em trong gia đình cần phải hiểu rõ và được giáo dục về các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, các giá trị đạo đức, lối sống nhân văn, tốt đẹp.

Bên cạnh đó, điều kiện không thể thiếu đó là ông, bà, cha, mẹ cần có sự quan tâm, dành thời gian cho con cháu để không chỉ khuyên răn, dạy bảo con cháu mà còn chia sẻ với con cháu những tâm tư, tình cảm, khó khăn của tuổi mới lớn, đưa ra những lời khuyên bổ ích.

Đồng thời cha mẹ cần có sự trao đổi thường xuyên với thầy cô giáo của con ở trường về tình hình của con để kịp thời nắm bắt, giáo dục con. Một gia đình có sự yêu thương, chia sẻ sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển hạnh phúc của mỗi thành viên.

Để gia đình có thể thực hiện tốt điều trên rất cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về những giá trị đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa gia đình, những quy tắc ứng xử chuẩn mực giữa các thành viên gia đình…

"Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình" là chủ đề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai rộng khắp trong nhiều năm qua. Đây cũng là thông điệp nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của gia đình với việc xây dựng nhân cách, phát triển toàn diện con người.

 (Nguồn: toquoc.vn)

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây