SharePoint
Liên kết web
 
 

Đền - chùa - đình Hai Bà Trưng Hà Nội đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt

29/05/2020 16:56
(TTCNTT) - Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đền - chùa - đình Hai Bà Trưng.

Ngày 28/5, trong không khí chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập Đảng bộ quận Hai Bà Trưng (1961-2020), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đền - chùa - đình Hai Bà Trưng.

Đến dự buổi lễ, về phía trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy.

Về phía thành phố Hà Nội, có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.

Quần thể di tích đền - chùa - đình Hai Bà Trưng là di sản văn hóa, gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Cụm quần thể di tích có kiến trúc nghệ thuật phong phú, đặc sắc, cùng với hồ nước ở trước mặt; chính giữa khuôn viên cụm di tích là 3 hạng mục kiến trúc: Đền Hai Bà Trưng, chùa Viên Minh, đình Đồng Nhân.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt đền - đình - chùa Hai Bà Trưng cho thành phố Hà Nội

Không chỉ lưu giữ những giá trị kiến trúc đặc sắc, cụm di tích đền thờ Hai Bà Trưng còn là địa chỉ đỏ cách mạng. Chùa Viên Minh đã được công nhận là địa điểm ghi dấu ấn nhiều sự kiện cách mạng, kháng chiến.

Với những giá trị đặc biệt, ngày 31-12-2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1954/QĐ-TT công nhận di tích đền - chùa - đình Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt.Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cho biết: "Chuẩn bị kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, quần thể di tích làng Đồng Nhân tiếp tục là một điểm sáng văn hóa, nơi thu hút và hội tụ nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế. Chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích bằng việc xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn; thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, góp phần đưa di tích trở thành một địa điểm tham quan, nghiên cứu, khám phá lý thú và hấp dẫn của Thủ đô", ông Vũ Đại Phong nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt đền - đình - chùa Hai Bà Trưng cho thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ,Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng có giá trị cao về thẩm mỹ, không gian kiến trúc do hệ khung gỗ tạo nên một chỉnh thể cân bằng, ổn định và hài hòa. Vẻ độc đáo của di tích còn thể hiện ở sự phong phú về trang trí điêu khắc trên các bộ phận kiến trúc, các cấu kiện gỗ, sự kết hợp tinh tế các thành phần trang trí, các mảng chạm khắc làm tăng thêm vẻ đẹp của công trình, góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu kiến trúc dân gian ở Thủ đô Hà Nội”.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ

Giá trị nghệ thuật của Di tích còn được thể hiện qua hệ thống các di vật phong phú, được chạm khắc tinh xảo với các đề tài trang trí truyền thống, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo và mang ý nghĩa tượng trưng, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Di tích còn là một quần thể kiến trúc cảnh quan đẹp, là nơi hội tụ các công trình nghiên cứu về lịch sử văn hóa của nhiều học giả trong nước và quốc tế, đã trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh, lịch sử hấp dẫn của Thủ đô.

“Việc xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng là Di tích quốc gia đặc biệt đã thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hà Nội trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để phát huy giá trị di tích hiệu quả, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị chính quyền địa phương triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích, làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài. BQL di tích cần triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ di tích, kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ kiến trúc và các hiện vật tuyệt đối an toàn.Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích. Tiếp tục xây dựng kế hoạch hằng năm tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích đang xuống cấp, sử dụng hiệu quả mọi nguồn thu từ di tích vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, định hướng việc công đức đối với những tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo đúng với nội dung, tính chất tín ngưỡng của di tích.

Thứ trưởng lưu ý, về lễ hội, cần duy trì nghi thức, nghi lễ truyền thống, thể hiện vai trò chủ thể văn hóa trong lễ hội. Không gian văn hóa liên quan đến lễ hội phải được bảo vệ, có biện pháp giữ gìn, tôn tạo cảnh quan của di tích để đảm bảo không gian linh thiêng, thuận tiện cho việc thực hành hội và dự hội của nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của lễ hội; kiên quyết ngăn chặn các hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để thực hành mê tín dị đoan, làm biến dạng lễ hội truyền thống.

Tiếp thu ý kiến của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị quận Hai Bà Trưng sớm có kế hoạch quản lý, bảo tồn, tăng cường giáo dục truyền thống tốt đẹp của địa phương cho thế hệ trẻ cũng như lên phương án khai thác hiệu quả giá trị của di tích để thu hút du khách trong nước và quốc tế, đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương.

 (Nguồn: bvhttld.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây