Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc, lãnh đạo các hội đoàn người Việt tại châu Âu, Cộng hòa Séc, cùng các văn nghệ sĩ, trí thức tại Séc.
Báo cáo tại Đại hội, ông Phạm Gia Hậu, Chủ tịch hội, nêu bật những cố gắng của hội trong việc đa dạng hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng đồng.
Ra đời cách đây tròn 1 thập kỷ với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ lợi ích dân tộc và cộng đồng, Hội Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã phát triển không ngừng cả về chất và lượng. Đến nay, trên toàn Cộng hòa Séc đã có nhiều câu lạc bộ văn hóa văn nghệ hay nhiều nhóm múa, hát, diễn kịch… được thành lập, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho bà con sống xa quê hương.
Hội đã tham gia tổ chức các chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như chương trình nghệ thuật hướng về Hoàng Sa - Trường Sa, chương trình nghệ thuật Vì miền Trung thân yêu, hay lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh tạo các sân chơi văn hóa qua các cuộc thi tiếng hát hay sắc đẹp tại Séc, nhiều chương trình văn hóa văn nghệ tầm cỡ do hội đứng ra đăng cai hoặc đồng tổ chức tại Séc như Hoa hậu người Việt toàn châu Âu, Chung kết Tiếng hát Truyền hình - Giải Sao Mai toàn châu Âu, Tiếng hát doanh nhân toàn châu Âu, Áo Dài phu nhân toàn châu Âu, Tôi yêu tiếng nước tôi toàn thế giới….. đã gây tiếng vang lớn, vượt ra khỏi biên giới của Séc, tới các nước châu Âu, trên thế giới và tại Việt Nam.
Với những thành tích đó, Hội Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc và lãnh đạo hội vinh dự nhận được Bằng Khen, Giấy Khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch, và một số bộ ngành khác của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn biểu dương những thành tích nổi bật của hội trong thời gian qua, đồng thời mong muốn hội có thêm nhiều hoạt động có tính lan tỏa trong thời gian tới, giúp nâng cao vị thế của cộng đồng, kết nối với quê hương.
Ban chấp hành mới Hội Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc ra mắt.
Đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo trẻ, nhiều tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cho rằng Hội Văn hóa - Nghệ thuật luôn có nhiều đóng góp thiết thực vào các hoạt động cộng đồng, mang tới món ăn tinh thần không thể thiếu cho người Việt sống xa quê.
“Trong những năm gần đây và đặc biệt là hai năm vừa qua, chúng tôi đánh giá rất cao những hoạt động của Hội Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Có họ chúng ta có những chương trình ấn tượng, đó là Áo Dài phu nhân toàn châu Âu, Tôi yêu tiếng nước tôi, Liên hoan giọng hát hay…Trong những năm tới chúng toi muốn lan tỏa rộng hơn nữa, tính nhân văn, và chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Cộng hòa Séc”, Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên nói.
Tự hào là người con vùng đất sản sinh ra làn điệu Quan họ được UNESCO công nhận và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chị Ngọc Hoa, thành viên Câu lạc bộ Quan họ Kinh Bắc tại Cộng hòa Séc, chia sẻ chị chỉ mong muốn sao các thế hệ trẻ được đào tạo bài bản để có thể kế cận các bậc cha, chú, gìn giữ được hồn cốt của không chỉ Quan họ và còn nhiều loại hình nghệ thuật khác.
Chị Ngọc Hoa, cho biết: “Là người đã tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ tại Cộng hòa Séc rất lâu, tôi có một mong muốn là lãnh đạo các hội đoàn hãy cố gắng mở các lớp dạy, đào tạo cho các con các cháu mình để các con các cháu mình giữ được nét văn hóa của quê hương đất nước, ví dụ như Quan họ, dân ca Ví Giặm, ca trù và hát xoan”.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2019 - 2014 gồm 31 thành viên, và ông Phạm Gia Hậu được tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch hội. Đại hội cũng thông qua Phương hướng nhiệm kỳ tới, tập trung vào việc củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, tạo sân chơi văn hóa văn nghệ sinh động cho cộng đồng, và quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Séc.
Trao đổi với VOV tại Praha, ông Phạm Gia Hậu nhấn mạnh ngoài các hoạt động bề nổi, hội rất chú trọng tới việc bảo tồn và phát triển các loai hình văn hóa phi vật thể của nhân loại mà Việt Nam đang có:
“Cộng đồng người Việt tại Séc có rất nhiều thế mạnh về văn hóa nghệ thuật, trong đó có các đơn vị chủ quản là các hội đồng hương có các loại hình văn hóa phi vật thể mà được UNESCO công nhận như là Quan họ, hát xoan, hát chèo, ca trù, hát xẩm… Chính vì vậy, nhiệm vụ sắp tới của Hội Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc đặt mục tiêu là phải kết nối một cách có hệ thống bằng cách thành lập ban tổ chức bảo tồn, bảo toàn văn hóa phi vật thể. Đây cũng là cách mở ra các sân chơi ở các hội đồng hương và rộng rãi trong cộng đồng ở các loại hình văn hóa nghệ thuật này”, ông Phạm Gia Hậu nói.
Chào mừng thành công của Đại hội và nhân kỷ niệm lần thứ 65 Ngày giải phóng thủ đô (10/10), một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên Hà Nội Trong Lòng Người Xa Xứ đã được tổ chức. Một không gian văn hóa Hà Nội đã được tái hiện ngay tại thủ đô Praha, với Khuê Văn Các, Ô Quan Chưởng, những góc phố, hàng cây, những căn gác nhỏ cùng mái ngói rêu phong, chợ hoa ngày Tết…, tạo khung cảnh lãng mạn, nên thơ cho người thưởng ngoạn. Cùng với đó là các bài hát về Hà Nội qua các thời kỳ, và những món ăn đặc sắc của người Hà thành.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)