(TTCNTT) - Hưng Yên là vùng đất văn hiến có hệ thống di tích, cụm di tích phong phú, da dạng với những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang tầm cỡ quốc gia. Để gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, cụm di tích, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, đặc biệt là huy động nguồn lực trong việc trùng tu, tôn tạo di tích.
Đình Đồng Hạ, xã Đức Hợp (Kim Động) được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2004. Đình có kết cấu kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian 2 dĩ tòa Đại bái, các bộ vì kèo có kết cấu giá chiêng chồng rường. Các hạng mục vững chãi với bốn đầu đao cong vút, mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII- XVIII. Hiện đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: 7 đạo sắc phong thời Lê và Nguyễn, bát hương sứ thời Nguyễn, ngai thờ, kiệu bát cống, kiệu long đình, đặc biệt là những tấm bia đá thời Lê. Thời gian gần đây, nhận thấy mái đình làng bị xuống cấp, thôn Đồng Hạ đã có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền để tu bổ bảo vệ di tích. Tiếp nhận đề nghị của chính quyền địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng xuống cấp của di tích đồng thời hướng dẫn địa phương làm thủ tục xin tu sửa chống xuống cấp cho di tích bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đồng chí Tám, công chức văn hóa - xã hội xã Đức Hợp cho biết: "Bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước mà đình làng Đồng Hạ được tu sửa khang trang nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương cho thế hệ trẻ".
Đình Đống Hạ, xã Đức Hợp được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Không chỉ đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, nhiều địa phương còn làm tốt công tác xã hội hóa để bảo tồn, tôn tạo các di tích. Đình Hạ, thôn Đan Nhiễm (thị trấn Văn Giang, Văn Giang) được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2006, hiện còn lưu giữ những nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ tinh xảo trên nền gỗ. Trải qua năm tháng, với những thăng trầm của lịch sử và mưa nắng của thời gian, ngôi đình đã bị xuống cấp. Để khắc phục tình trạng này, ban quản lý di tích đình Hạ và chính quyền địa phương đã trình UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền trùng tu, tôn tạo nhằm gìn giữ nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi đình. Năm 2014, sau khi được sự chấp thuận của chính quyền các cấp, đình Hạ được trùng tu, tôn tạo với tổng trị giá gần 1,6 tỷ đồng, trong đó phần lớn là kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa. Từ nguồn vốn huy động, đình Hạ được xây dựng khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, thâm nghiêm và trở thành điểm "về nguồn" của bao thế hệ con em trong làng.
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có trên 1.800 di tích, cụm di tích. Các di tích, cụm di tích là niềm tự hào của hậu thế ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử.
Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm xây dựng, tồn tại, phần nhiều các di tích cổ xưa đều đã có những dấu hiệu xuống cấp, trong đó có không ít di tích xuống cấp nghiêm trọng đòi hỏi cần được trùng tu cấp thiết. Để bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích, cụm di tích trên địa bàn tỉnh, hàng năm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát thực trạng các di tích, cụm di tích để có cơ sở lập đề án tổng thể bảo tồn, tôn tạo. Đồng thời, tham mưu giúp tỉnh phân bổ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp các di tích, cụm di tích.
Đây được xem là "đòn bẩy", yếu tố "kích cầu" để chính quyền địa phương và người dân chung tay đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích với phương châm "Nhân dân làm, tộc họ làm, Nhà nước hỗ trợ".
Bằng nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, đã có trên 150 di tích, cụm di tích trên địa bàn tỉnh được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt Đề án đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 -2020, theo đề án toàn tỉnh sẽ có 100 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh được đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp với tổng kinh phí trên 48 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn xã hội hóa, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có gần 500 di tích được trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 400 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: "Trùng tu, tôn tạo di tích, cụm di tích là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các di tích, cụm di tích trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo tiền đề để các địa phương phát triển du lịch. Vì vậy, công tác trùng tu, tôn tạo di tích, cụm di tích trên địa bàn tỉnh cần có sự góp sức của mọi nguồn lực xã hội. Trong điều kiện hiện nay, nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì công tác xã hội hóa được xem là giải pháp then chốt trong huy động nguồn lực để trùng tu, tu bổ các di tích".
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)