Đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện khai thác lợi thế về du lịch với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nói riêng và các nước trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC), nghiên cứu hình thành các tuyến du lịch để khai thác tiềm năng về thiên nhiên và đặc biệt là các di sản UNESCO nằm trên "Con đường di sản miền Trung" của Việt Nam (Câu số 17).
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số: 3027/BVHTTDL-VP Hà Nội, ngày 2 tháng 08 năm 2019 về nội dung kiến nghị của cử tri:
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
Hành lang Kinh tế Đông - Tây (tiếng Anh: East - West Economic Corridor - EWEC) là một sáng kiến được nêu ra vào năm 1998 tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng lần thứ tám tổ chức tại Manila (Philippines) nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam. Hành lang này chính thức thông tuyến vào ngày 20 tháng 12 năm 2006. Hành lang này dựa trên một tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km, có cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine (Myanma), đi qua bang Kayin (Myanma), các tỉnh: tỉnh Tak, tỉnh Sukhothai, tỉnh Kalasin, tỉnh Phitsanulok, tỉnh Khon Kaen, tỉnh Yasothon, tỉnh Mukdahan (Thái Lan), Savannakhet (Lào), Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và cực Đông là thành phố Đà Nẵng (Việt Nam). Mục tiêu ban đầu khi hình thành Hành lang, gồm:
- Tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển giữa bốn quốc gia thành viên;
- Giảm chi phí vận chuyển trong khu vực ảnh hưởng hành lang và làm cho vận chuyển hàng hóa và người dân hiệu quả hơn;
- Giảm nghèo và hỗ trợ sự phát triển của khu vực nông thôn và biên giới dọc theo EWEC.
Có thể khẳng định, trong nhiều năm qua các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng là những điểm đến rất quen thuộc và hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Một số sản phẩm du lịch chủ yếu như:
- Du lịch văn hóa, di sản gắn với các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử, văn hóa như: Địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế);
- Du lịch trải nghiệm, khám phá gắn với nhiều điểm đến hấp dẫn như: Động Sơn Đoòng, (Quảng Bình), Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Bà Nà Hill (Đà Nẵng);
- Du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các bãi biển tại Quảng Trị (Cửa Tùng, Cửa Việt), Quảng Bình (Nhật Lệ), Thừa Thiên Huế (Lăng Cô) và Đà Nẵng (Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Sơn Trà).
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ và cùng với các tỉnh/thành triển khai thực hiện nhiều hoạt động để tạo điều kiện khai thác lợi thế du lịch của tuyến hành lang thông qua đó đã hình thành và phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn phục vụ khách du lịch và "Con đường di sản miền Trung" là một trong những sản phẩm du lịch nổi bật tại đây; chủ trì tổ chức đoàn khảo sát cho đoàn doanh nghiệp và báo chí về tuyến du lịch đường bộ xuyên quốc gia giữa Việt Nam, Thái Lan, Lào và Myanmar; tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí trong nước và quốc tế, đặc biệt là từ Thái Lan, Lào và Myanmar tới khảo sát sản phẩm du lịch; tổ chức các chương trình giới thiệu về du lịch tại nước ngoài; Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công (MTCO) tổ chức Hội thảo về chuyển đổi các hành lang giao thông GMS thành hành lang du lịch; Giai đoạn 2009-2013, Dự án phát triển du lịch bền vững GMS được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam tài trợ với tổng số vốn 11,7 triệu USD. Trong đó, vốn ODA do ADB cung cấp là 10 triệu USD; vốn đối ứng do các Tỉnh thụ thưởng dự án tự cân đối. Dự án do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư và được triển khai tại 5 tỉnh, trong đó có 3 tỉnh Quảng Bình (2,7 triệu USD), Thừa Thiên - Huế (540 nghìn USD), Quảng Trị thuộc EWEC.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đàm phán với ADB để ký Hiệp định về Dự án "Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2". Thời gian thực hiện dự kiến trong 5 năm 2019-2024. Trong đó, Dự án sẽ hỗ trợ vốn cho 3 tỉnh Quảng Bình (11,9 triệu USD), Quảng Trị (11,4 triệu USD) và Thừa Thiên Huế (8 triệu USD) để thực hiện các hoạt động sau nhằm phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Trong đó, tập trung vào các dự án: (1) Xây dựng cơ sở hạ tầng tuyến du lịch đường sông kết nối trung tâm du lịch thành phố Đồng Hới và trung tâm du lịch tâm linh phía Nam (Quảng Bình). (2) Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịcḥ dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt (Quảng Trị). (3) Xây dựng hạ tầng cảng du lịch Cửa Việt - Cồn Cỏ (Quảng Trị). (4) Xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông đến điện Hòn Chén (Thừa Thiên Huế). (5) Xây dựng mới và nâng cấp các bến thuyền du lịch trên sông Hương và đầm phá (Thừa Thiên Huế). (6) Xây dựng và nâng cấp một số hạng mục hạ tầng du lịch tại Huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp về sản phẩm, xúc tiến quảng bá và tăng cường hợp tác với các nước trong Hành lang Kinh tế Đông Tây nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế để trả lời cử tri.
>> Toàn văn nội dung văn bản
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)