(TTCNTT) - Ngày 9/8 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo về Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Hội thảo do Cục Bản quyền tác giả (COV) phối hợp với Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) tổ chức.
Tại hội thảo này, các đại biểu đã lắng nghe, thảo luận về các quy định pháp luật và thực trạng bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam – Nhật Bản; các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên Internet tại Nhật Bản; các hoạt động ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền và xúc tiến phân phối nội dung có bản quyền của CODA; các giải pháp nâng cao năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở Nhật Bản – Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo
Trong phần trình bày của mình, các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã chia sẻ cụ thể về tình hình vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường internet hiện nay ở đất nước mặt trời mọc. Theo đó, hiện nay những vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan hay gọi tắt là vi phạm bản quyền trong môi trường số (Internet) ở Nhật Bản diễn ra khá phức tạp và không ngừng gia tăng.
Ở Nhật Bản hiện có hơn 90 nghìn người có "thói quen" sử dụng và chia sẻ các đường link có chứa nội dung là những bộ phim, chương trình truyền hình, truyện tranh…vi phạm bản quyền. Cụ thể, trên hệ thống các web tại Nhật Bản như Facebook, Youtube… nhiều người dùng thường hay tải lên và chia sẻ các đường link có chứa nội dung vi phạm bản quyền. Những đường link này được một cá nhân hay tổ chức đứng ra chia sẻ và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của mọi người. Người ta có thể thu lại một bộ phim phát sóng trên truyền hình sau đó tải lên và chia sẻ trên internet để nhiều người khác cùng tải về xem… Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền công nghiệp sản xuất, phát hành video của Nhật Bản.
Ông Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh Hiệp hội phần mềm Viedeo (JAV) Nhật Bản chia sẻ về các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên internet tại quốc gia này.
Các chuyên gia của Nhật Bản cũng đánh giá rằng hiện nay việc vi phạm bản quyền trên môi trường internet tại Nhật Bản nói chung và thế giới nói riêng rất phức tạp. Những tổ chức, cá nhân vi phạm đều rất tinh vi và có nhiều vỏ bọc để tránh né sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, mặt khác họ kiếm được rất nhiều tiền từ hoạt động vi phạm bản quyền. Trong khi đó, không ít những doanh nghiệp, tập đoàn lại đang rơi vào tình trạng gián tiếp, tiếp tay cho hoạt động vi phạm bản quyền (vi phạm pháp luật – PV) vì quảng cáo sản phẩm của họ xuất hiện trên các web lậu, vi phạm.
Các đối tượng hay tổ chức vi phạm bản quyền trên môi trường internet thường sử dụng các thông tin thiếu chính xác hoặc lựa chọn cách nặc danh để né tránh sự kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Đặc biệt là có sự bắt tay giữa các cá nhân, tổ chức ở trong nước với các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài…Do đó, việc xử lý rất khó khăn và nhiều khi là không thể.
Các đại biểu tham gia thảo luận
Ví dụ, ở Nhật Bản hiện có trang web anitube (thu hút đông đảo người sử dụng – PV). Người vận hành trang wed này ở Brazil, địa điểm đặt máy chủ ở Mỹ và đăng ký tên miền ở Thụy Điển. Vì thế rất cần sự tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các nước trong vấn đề thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong kỷ nguyên số và internet như hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh cùng chuyên gia Nhật Bản
Sau khi nghe đại diện Cục Bản quyền tác giả giới thiệu về hệ thống pháp luật, quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, các chuyên gia đến từ Nhật Bản đánh giá cao công tác chống vi phạm bản quyền của Việt Nam. Các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng trao đổi, tăng cường hợp tác với Việt Nam (Cục Bản quyền tác giả) để cùng nhau tìm ra các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)