SharePoint
Liên kết web
 
 

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về việc tăng cường xúc tiến du lịch và giữ gìn nếp sống văn minh

06/08/2019 07:28
(TTCNTT) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, bảo đảm mục tiêu tăng lượng khách du lịch đã đề ra; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để phát huy giá trị đạo đức, văn hóa trong xã hội, trong đó chú ý về nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử nơi công cộng kể cả ở trong nước và khi ra nước ngoài (Câu số 10).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số Số: 3018/BVHTTDL-VP Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2019 về nội dung kiến nghị của cử tri:

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Về việc quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; thực hiện các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng lượng khách du lịch

1.1. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm. Để nâng cao chất lượng của các hoạt động xúc tiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành: Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020, Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025 và phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Đến nay, cả nước đã có 58/63 tỉnh/thành phố đã thành lập bộ phận chuyên trách về xúc tiến du lịch.

Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian qua còn một số hạn chế:

- Kinh phí dành cho xúc tiến du lịch hạn chế, cơ chế tài chính nhiều bất cập. Ngân sách Nhà nước Trung ương cấp cho xúc tiến du lịch khoảng 2 triệu đô la Mỹ/năm, thấp so với yêu cầu thực tế và rất thấp so với các nước như Thái Lan (86 triệu đô la Mỹ), Malaysia (130 triệu đô la Mỹ), Singapore (100 triệu đô la Mỹ).

- Chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài, trong khi: Thái Lan có 28 văn phòng, Malaysia có 35 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng, Hàn Quốc có 31 văn phòng.

- Sự phối hợp giữa các cơ quan trong xúc tiến điểm đến quốc gia còn hạn chế. Phối hợp liên ngành Du lịch, Ngoại giao, Công thương, Hàng không đã có nhiều cải thiện nhưng chưa thống nhất kế hoạch chung, còn trùng lặp hoạt động.

Để khắc phục hạn chế, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:

- Triển khai và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

- Nghiên cứu, đề xuất thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại các thị trường trọng điểm.

- Phối hợp công - tư, tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong công tác xúc tiến quảng bá, ưu tiên hoạt động tại thị trường du lịch trọng điểm.

- Ứng dụng công nghệ (E-marketing, thiết bị di động, các công cụ xúc tiến trên nền tảng mạng xã hội...).

- Đổi mới nội dung, phương thức giới thiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam để tạo sự lôi cuốn, ấn tượng thu hút khách du lịch.

- Phát huy vai trò của cơ quan văn hóa, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, cơ quan thương vụ... nhất là tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

1.2. Thực hiện các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng lượng khách du lịch

Năm 2019, du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch đạt trên 700 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 9% vào GDP.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng lượng khách du lịch đã đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương tập trung vào một số giải pháp sau:

- Tập trung xúc tiến vào các thị trường nguồn có ưu thế là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga, ASEAN.

- Mở rộng khai thác thị trường: Úc, Newzeland, Trung Đông, Ấn Độ...

- Làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế qua các cửa khẩu đường bộ.

- Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp tổ chức xúc tiến, có chương trình kích cầu du lịch nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch.

- Tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thông qua các chính sách visa, tăng cường kết nối hàng không, phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch.

- Phát triển nguồn nhân lực đủ cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao.

- Kiểm soát chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, điểm đến du lịch; tập trung vào các loại hình du lịch có tính chiến lược, có sức lan tỏa như: du lịch biển, du lịch sự kiện thể thao (F1...), du lịch nông nghiệp, nông thôn...

2. Về việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để phát huy giá trị đạo đức, văn hóa trong xã hội

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và

Du lịch đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trước hết là tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện các luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống. Trong thời gian qua, Bộ đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam. Xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về "Tăng cường bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".

- Đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng, phong trào văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân, lành mạnh hóa lối sống. Lấy môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú đẩy lùi nguy cơ con người sa vào các tệ nạn xã hội hay tha hóa về đạo đức, lối sống.

- Nâng cao hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa"; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 về "Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang"... Qua đó, tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để khuyến khích, xây dựng lối sống, nếp sống, giải quyết các vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị.

- Phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử: Đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Làm sao để ngày càng có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức.

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống: Tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa di sản văn hóa vào trường học, triển khai phong trào "Xây dựng trường học thân thiện , học sinh tích cực". Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... triển khai các Chương trình phối hợp trong xây dựng đạo đức, lối sống trong các lĩnh vực, địa bàn công tác có liên quan. Phát huy hiệu quả phối hợp giáo dục của 3 môi trường "gia đình - nhà trường - xã hội".

- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình"; "Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến 2020"; "Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2016 - 2020"; "Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020"; "Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020"...

- Tiếp tục thí điểm thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình". Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp...

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm: Kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.

- Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các quy định của Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa và các Luật liên quan khác, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Triển khai sâu rộng Bộ Tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch và Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trong hoạt động du lịch tại các điểm đến du lịch; vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia phong trào ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, cam kết không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi xâm hại khách du lịch, không để các tệ nạn xã hội xảy ra trong các cơ sở kinh doanh du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời cử tri.

>> Toàn văn nội dung văn bản

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây