Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL chủ trì Họp báo. Buổi họp báo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL, Thanh tra Bộ VHTTDL và đông đảo phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội.
Tại Họp báo, ông Nguyễn Thái Bình đã thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ VHTTDL. Theo đó, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính, Bộ đã tập trung xây dựng và hoàn thành nhiều dự thảo Luật, Thông tư… Công tác cải cách hành chính được triển khai tích cực, bám sát nội dung Kế hoạch hoạt động năm 2019 từ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Hoàn thành liên thông 4 cấp hành chính với Chính phủ, đảm bảo 100% văn bản xử lý trên môi trường mạng.
Ông Nguyễn Thái Bình chủ trì Họp báo
Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, nhiều di tích tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch. Ban hành Quyết định xếp hạng 30 di tích quốc gia; cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại 15 địa điểm. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm, đẩy mạnh. Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" cho 62 cá nhân và "Nghệ nhân ưu tú" cho 561 cá nhân đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân nhân dân" cho 04 cá nhân và "Nghệ nhân ưu tú" cho 09 cá nhân. Thêm 17 di sản được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, cổ động nhân dịp các ngày lễ lớn, kỷ niệm của đất nước và chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tập trung chỉ đạo với các giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế những vần đề còn tồn tại trong hoạt động lễ hội trên cả nước. Công tác xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện. Xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số...
Hoạt động sự nghiệp của thư viện đã có nhiều đổi mới, tích cực chủ động, sáng tạo triển khai các dịch vụ mới, đẩy mạnh hiện đại hóa thư viện từng bước đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân tại địa phương, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Công tác lập đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi); xây dựng Đề án "Quảng bá du lịch thông qua các hoạt động điện ảnh" được tập trung triển khai.
Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được thực hiện nghiêm túc; việc thẩm định cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo đúng trình tự, quy định. Tập trung xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn Phối hợp tổ chức thành công nhiều Liên hoan.
Bộ cũng nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng xây dựng và ban hành Luật Bản quyền tác giả. Đồng thời, thực hiện Kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức xã hội, phát triển công chúng đối với các ngành công nghiệp văn hóa.
Toàn cảnh Họp báo
Công tác quản lý nhà nước về gia đình được triển khai đúng yêu cầu, tiến độ. Xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực gia đình; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì và nhân rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng góp phần xây dựng gia đình "tiến bộ, hạnh phúc, bền vững".
Công tác đào tạo, tập huấn vận động viên, huấn luyện viên để chuẩn bị tham dự SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, vòng loại Olympic năm 2020 tại Nhật Bản và các giải thể thao khu vực, châu lục, thế giới được quan tâm, chú trọng.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng, đạt hơn 8,4 triệu lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa ước đạt 45,5 triệu lượt khách (trong đó khách lưu trú đạt 22,9 triệu lượt). Tổng thu từ du lịch ước 338.200 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thái Bình và đại diện các Cục Di sản văn hóa, Cục bản quyền tác giả, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thanh tra Bộ…. đã làm rõ những vấn đề "nóng" của ngành trong thời gian qua, được các cơ quan báo chí quan tâm như vấn đề bảo tồn di sản thế giới Vịnh Hạ Long; xây dựng nhà thờ Bùi Chu; xâm phạm di chỉ Vườn Chuối; cấp phép biểu diễn trong chương trình Nữ hoàng thương hiệu; biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn; mục tiêu phát triển du lịch trong 6 tháng cuối năm…
Theo Bộ VHTTDL, các di sản văn hóa như Vịnh Hạ Long, Nhà thờ Bùi Chu, di chỉ Vườn Chuối là các di sản văn hóa đã được phân cấp quản lý theo Luật Di sản văn hóa. Trong thời gian qua, nhiều di sản đã được bảo vệ và kiểm soát nghiêm túc nhưng đôi lúc, ở một số nơi vẫn còn buông lỏng quản lý khiến xảy ra vi phạm. Với di sản như Vịnh Hạ Long, Nhà thờ Bùi Chu, Bộ VHTTDL đã rà soát, kiểm tra và yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị. Mục tiêu của bảo tồn di sản là hài hòa giữa lợi ích người dân và bảo tồn bền vững giá trị di sản.
Đối với chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn, Bộ VHTTDL cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Nhà hát Lớn đang trong quá trình sửa chữa, tu bổ định kỳ. Trong đầu tháng 9 tới, việc tu bổ hoàn thành, Bộ VHTTDLtiếp tục tổ chức những chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nhằm thúc đẩy, khích lệ các nhà hát sáng tạo, biểu diễn những chương trình chất lượng cao, phục vụ đông đảo nhân dân, du khách
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)