Dự lễ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban dân vận Trung Ương; ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu lãnh đạo Trung ương và địa phương.
Tại buổi lễ, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII và Quyết định số 87/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), cách đây đúng 30 năm, ngày 01/7/1989, tỉnh Quảng Bình trở về với địa giới và tên gọi cũ trên cơ sở chia tách từ tỉnh Bình Trị Thiên.
Các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Bình (01/7/1989 - 01/7/2019), 70 năm Ngày "Quảng Bình quật khởi" (15/7/1949-15/7/2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
30 năm qua, trước muôn vàn khó khăn, thử thách sau ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã phát huy truyền thống "Quảng Bình quật khởi", Quảng Bình "hai giỏi", đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, chung sức, chung lòng khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế đưa tỉnh Quảng Bình liên tục phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ đã chiếm 80% trong cơ cấu kinh tế.
Quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành năm 1990 đạt 307,7 tỷ đồng, đến năm 2019 ước đạt hơn 36.000 tỷ đồng. Năm 1990, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 0,46 triệu đồng/người, đến năm 2019 ước đạt 41 triệu đồng/người. So với năm 1990, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay đã gấp 117 lần.
Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và chuỗi giá trị. Cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế -xã hội được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình, dự án quy mô lớn được đưa vào khai thác, sử dụng và phát huy tốt hiệu quả. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu tại lễ kỷ niệm.
"Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Quảng Bình đã có sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thủy lợi; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét. Có thể nói, đó thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, với vương quốc hang động độc đáo, kỳ vĩ làm say đắm lòng người, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế", ông Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, điện lưới quốc gia từ đô thị đến nông thôn, miền núi được đầu tư, đáp ứng nhu cầu của người dân. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả cao; chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên; đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa được cải thiện nhiều so với trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Quảng Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển to lớn của quân và dân Quảng Bình.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi mở cõi của nước Đại Việt ta ngày trước. Đây là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn của dân tộc, Quảng Bình còn là nơi hội tụ nhiều nét đẹp của tính cách người dân Việt Nam, cần cù chịu thương chịu khó.
Đây vùng đất địa linh nhân kiệt đã tạo ra nhiều bậc anh hùng hào kiệt, lưu danh sử sách như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Theo Phó Thủ tướng, Quảng Bình hiện có nền cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Thu hút lượng lớn khách du lịch với hệ thống hang động kỳ vĩ, Quảng Bình phải đưa du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển bền vững.
"Những kết quả đạt được của Quảng Bình đã làm thay đổi vùng đất nghèo khó năm xưa, tạo tiền đề để Quảng Bình phát triển và hội nhập", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
(Nguồn: toquoc.vn)