SharePoint
Liên kết web
 
 

Đình Văn Xá bị sơn đỏ: Vấn đề vẫn là thiếu thông tin đáng tin cậy

17/06/2019 15:45
(TTCNTT) - Nhìn lại vụ việc đình Văn Xá, sự vi phạm xuất phát từ một hành động tích cực là địa phương chủ động lên phương án bảo tồn di sản. Còn để xảy ra vi phạm thì vấn đề căn cơ vẫn là tình trạng thiếu thông tin đáng tin cậy.

Tại sao lại sơn đỏ đình Văn Xá?

Xét ở mặt nghệ thuật và lịch sử thì đình Văn Xá là di sản quý giá một cách khách quan. Đình có tuổi đời hơn 600 trăm năm, và năm 1962 đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Ông Nguyễn Đức Bình (trưởng nhóm Đình làng Việt) nêu giá trị của di sản này: "Đây là một công trình kiến trúc có giá trị về nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc. Ngôi đình này được làm thời Lê, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc đình làng thế kỷ XVII. Phần kiến trúc và chạm khắc trang trí ở phía sau gian giữa có một số mảng chạm khắc ở hai thanh kẻ." Và giá trị độc nhất trong kiến trúc của ngôi đình là con nghê đặt ở điểm nối cột đình và thanh xà ngang.

Vậy những người có trách nhiệm bảo tồn chẳng thể làm một việc phi lí là phá hoại chính di sản của địa phương mình. Mà sự việc của đình Văn Xá xuất phát từ hành động tích cực là địa phương chủ động lên kế hoạch đầu tư. Những người có trách nhiệm nêu cái lí để mình hành động.

Bà Phạm Thị Kim Dung, trưởng thôn Văn Xá (công tác từ năm 2013 – nay) cho biết việc sơn đỏ cột đình, thanh xà và cửa hậu cung diễn ra làm hai đợt trong năm 2018.

Trước hết là vấn đề sơn đỏ cửa nối hậu cung và chính định. Trong hội nghị Quân – Dân – Chính đầu năm 2018, một số cán bộ cao tuổi đưa ra đề nghị xây lại và sơn đỏ cửa nối liền chính điện - hậu cung và sơn đỏ chúng. Cơ sở để sơn cửa màu đỏ là theo trí nhớ của một số cán bộ cao tuổi. Sau hội nghị, trưởng thôn Phạm Thị Kim Dung đã gửi công văn đến phòng văn hóa huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Công việc sơn đỏ cửa nối chính định – hậu cung được tiến hành với sự đồng ý của các cấp lãnh đạo.

Thứ hai là vấn đề sơn đỏ cột đình và thanh xà. Công việc này diễn ra vào nửa sau năm 2018. Cơ sở của nó vẫn là theo trí nhớ của một số cán bộ cao tuổi. Với tư cách trưởng ban quản lí di tích đình Văn Xá, ông Trần Duy Ngọc đã thẳng thắn phản đối kế hoạch trên, nhưng không ngăn cản được. Vì ông cho rằng màu nguyên trạng của nó đúng là đỏ, nhưng là màu đỏ sơn son thiếc vàng chứ không phải như tình trạng hiện nay. Còn Trưởng thôn Phạm Thị Kim Dung cho biết đây không phải là hành động đã nhận được sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo.

Đừng để di sản bị phá hủy bởi trí nhớ

Nhà nghiên cứu và nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế cho biết việc khắc phục các mảng chạm bị phủ sơn đỏ như tại đền Phù Đổng và đình Văn Xá là vô cùng phức tạp. Vì vậy rất khó để đưa tình trạng trở về nguyên mẫu.

Nhưng trước khi những di sản bị hư hại nghiêm trọng thì nguyên nhân đã tiềm ẩn ngay trong mỗi người quản lí di sản. Xét sự việc ở đình Văn Xá cùng những chuyện từng diễn ra ở chùa Trăm Gian, đình Lương Xá, chùa Khúc Thủy trong thời gian qua thì đều giống nhau ở một điểm: những người thực hiện công tác trùng tu kiến trúc cũ thiếu thông tin đáng tin cậy về đối tượng. Nó khiến những di tích này bị ảnh hưởng và mất đi một phần lớn giá trị sau khi công việc hoàn thành.

Ông Lê Văn Hiến, trưởng phòng văn hóa của xã Đức Lí (Hà Nam) đưa ra nguyên nhân căn bản dẫn đến sự việc Văn Xá là những người làm công tác quản lí di sản chưa nắm chắc thông tin về di sản. Cụ thể trong trường hợp này là những kế hoạch của người dân chỉ dựa vào trí nhớ, mà chưa có cơ sở của sự nghiên cứu đúng để kết luận rằng đâu mới là kiến trúc nguyên mẫu. Và các cấp lãnh đạo đã tìm cách khắc phục. Một hành động cụ thể là năm ngoái, sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nam đã tổ chức một ngày tập huấn cho các cán bộ thực hiện công tác quản lí di sản.

Tuy nhiên khi câu chuyện về sai phạm trong trùng tu di tích cứ mãi lặp đi lặp lại, thì những cấp lãnh đạo cần sát sao ở công tác thẩm định thông tin đáng tin cậy, rồi phổ biến nó cho nhân rộng. Sự hư hại của một di tích cấp quốc gia như Văn Xá là một động lực để thay đổi công tác bảo tồn di sản một cách căn cơ. Vì "nếu để lâu thì cái sai sẽ trở thành cái đúng" như nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình xót xa. Đừng để trí nhớ chưa được kiểm chứng hủy hoại di sản như trường hợp ở làng Văn Xá.

 (Nguồn: http://toquoc.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây