(TTCNTT) - Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân tại buổi làm việc với UBND thành phố Hội An và các Sở, ban, ngành liên quan về công tác quản lý, bảo tồn di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố, nhất là tìm giải pháp khẩn cấp tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở VHTTDL khẩn trương hoàn tất thủ tục quyết toán đối với những hạng mục làm chủ đầu tư tại các vùng có di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hội An. Đồng thời, giao UBND thành phố Hội An khẩn trương lập dự án đầu tư tu bổ nâng cấp dự án Chùa Cầu.
Mỗi ngày Chùa Cầu đón tiếp một lượng khách tham quan lớn là 4.000 lượt. Ảnh: ĐCSVN
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, hiện nay công tác quản lý, bảo tồn di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hội An đang gặp nhiều khó khăn. Những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là trong Khu phố cổ và tác động mặt trái của đô thị hóa, phát triển dịch vụ- du lịch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của di sản văn hóa, cảnh quan môi trường sống...
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các tuyến giao thông du lịch đang quá tải, xuống cấp; nguồn lực lao động có chất lượng trong lĩnh vực du lịch- dịch vụ thiếu trầm trọng; nguy cơ từ biến đổi khí hậu... Đặc biệt, di tích Chùa Cầu đang đứng trước nguy cơ xuống cấp với áp lực ngày càng nặng nề. Trung bình, mỗi ngày Chùa Cầu đón tiếp một lượng khách tham quan lớn là 4.000 lượt.
Cùng đó, Chùa Cầu còn chịu nhiều ảnh hưởng từ sự chuyển biến của dòng chảy Khe Ồ Ồ tại điểm Chùa Cầu và môi trường ẩm ướt của sông nước. Những tác động này, đang làm cho các mố, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, vì kèo có dấu hiệu bị hư hỏng, mục rỗng... Mặt khác, Chùa Cầu nằm ngay vùng rốn lũ của Hội An, vị trí này có dòng nước chảy rất mạnh mỗi khi có lụt nên càng tạo thêm nguy cơ mất an toàn cho di tích.
UBND thành phố Hội An đã đề xuất một số kiến nghị, như: Hỗ trợ thành phố làm việc với các Bộ, ngành Trung ương liên quan thông qua cơ chế đặc thù cho Bảo tồn phát huy di sản văn hóa Hội An; có chính sách ưu đãi đối với cán bộ chuyên ngành bảo tồn di sản văn hóa; quan tâm chỉ đạo triển khai các công trình, cơ sở hạ tầng giao thông trong vùng di tích…
Trước đó, đối với di tích Chùa Cầu, trước mắt thành phố Hội An đã có văn bản điều tiết lượng khách tham quan, trong đó quy định số lượng trong mỗi đợt khách tham quan tại di tích không quá 20 người. Đồng thời tổ chức chống đỡ các vị trí xuống cấp. UBND thành phố Hội An cũng đề xuất mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia quá trình tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu để bảo vệ lâu dài công trình mang tính biểu tượng hai nước Việt Nam- Nhật Bản. Xây dựng kế hoạch khảo sát cụ thể, bài bản, toàn diện về công trình để xác định tình trạng công trình, từ đó đề xuất định hướng tu bổ, bảo tồn phù hợp; vừa phục vụ nhu cầu của người dân vừa đáp ứng các nguyên tắc, công ước quốc tế về bảo tồn di tích.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)