(TTCNTT) - Hiệp hội Lữ hành Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm triển khai Nghị định số 45/2019/NÐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lữ hành.
Tại tọa đàm, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã phổ biến các nội dung Nghị định, nhất là những quy định liên quan xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lữ hành tới các đơn vị tham gia. Theo đó, Ngày 21/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, nhằm nâng cao chất lượng ngành công nghiệp không khói, góp phần thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo Nghị định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 6 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính như giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả.
Nghị định 45 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019. Ảnh minh họa (nguồn: Kinh tế Đô thị)
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch; Buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp theo quy định.
Nghị định 45/2019/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân…
Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị lữ hành cũng nêu ý kiến muốn được làm rõ hơn một số quy định bằng thông tư hướng dẫn, liên quan một số vi phạm như: để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật; sử dụng người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam; không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến...
Tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị làm rõ một số vấn đề như ký hợp đồng hướng dẫn viên theo ngày, theo từng tour có được chấp nhận không; việc không tổ chức tour cho các đại lý cần quy định rõ ràng bởi có nhiều lý do khách quan khiến việc tổ chức tour không thực hiện được...
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 2.300 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, khoảng 8.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa; trong đó nhiều quản lý điều hành tour không nắm được Luật Du lịch và cả những quy định xử phạt hành chính trong hoạt động du lịch.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)