Dự thảo Luật Thư viện có 7 Chương, 51 Điều bao gồm Những quy định chung; Thành lập thư viện; Hoạt động của thư viện; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; Xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện; Quản lý nhà nước về thư viện; Điều khoản thi hành.
Thư viện ở Việt Nam đối mặt với nguy cơ tụt hậu
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của sự nghiệp thư viện Việt Nam.
Sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận, mạng lưới thư viện công lập phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trình bày tờ trình dự thảo Luật Thư viện. Ảnh: Bảo Trung
Pháp lệnh đã tạo ra sự chuyển biến lớn về nhận thức và quản lý, phát triển thư viện. Từ chỗ chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu dùng chung, đến nay thư viện đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền tảng văn hóa phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Hơn 10 năm gần đây, các thư viện đã từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng được dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện ở Việt Nam đã phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện hạn hẹp. Đối mặt với nhiều khó khăn lớn, các thư viện đang thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, chưa được quan tâm, tạo điều kiện để phát huy hết khả năng và sáng tạo trong công tác.
Trước tình hình đó, việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, cải thiện đời sống của đội ngũ nhân lực thư viện, tạo sức hút của thư viện đối với người sử dụng là những vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay trong thời gian tới.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép tham gia thành lập, tổ chức hoạt động thư viện
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung so với Pháp lệnh như mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng áp dụng: tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không chỉ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức mà còn được phép tham gia thành lập thư viện và tổ chức hoạt động thư viện; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thư viện; sửa đổi, bổ sung và sắp xếp lại các nội dung theo 03 nhóm: Nhà nước đảm bảo thực hiện thông qua chính sách đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích, tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động thư viện…
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo cũng đã bổ sung nhóm thư viện ngoài công lập bao gồm: thư viện thuộc tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp ở địa phương, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, cơ sở tôn giáo, tổ chức kinh tế tư nhân, thư viện thuộc cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng, thư viện do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập…
Đáng chú ý, xác định là một xu thế phát triển tất yếu, với thư viện số, dự thảo luật đã xác định các yếu tố cấu thành, phương thức hoạt động, sản phẩm, dịch vụ của thư viện số (Điều 20) nhằm phát huy giá trị vốn tài liệu, tăng cường liên thông, kết nối góp phần hình thành hệ tri thức số quốc gia…
Đề nghị quy định cụ thể hơn việc ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số
Nhất trí sự cần thiết xây dựng Luật Thư viện, đọc báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phan Thanh Bình cho hay, Ủy ban đề nghị quy định cụ thể hơn việc ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số, hoạt động liên thông giữa các thư viện.
Phát triển hệ thống thư viện công cộng phù hợp với đặc thù các địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa để huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển thư viện.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: Quochoi.vn
Một số chính sách như nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào hoạt động thư viện, hợp tác quốc tế cần được cân nhắc đưa lên mức nhà nước ưu tiên đầu tư (Khoản 1) thay vì hỗ trợ để tăng hiệu lực. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đặc thù thư viện trung tâm có vai trò quan trọng, vai trò và trách nhiệm của các thư viện này ngay tại Luật để đảm bảo tính khả thi…
Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định phân loại thư viện đảm bảo logic và thể hiện được mạng lưới, hệ thống thư viện; xác định thư viện trung tâm có vai trò quan trọng để nhà nước ưu tiên đầu tư; đồng thời giúp việc xác định quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thành lập và phát triển hệ thống thư viện Việt Nam…
Ngoài ra, để hoàn thiện Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình tra đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số từ ngữ; quy định cụ thể thư viện được phép lưu trữ các tài liệu vi phạm hành vi bị cấm nhằm mục đích nghiên cứu; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; bổ sung quy định về thời hạn đình chỉ hoạt động thư viện, tiêu chuẩn đối với lãnh đạo thư viện, tiêu chuẩn người làm công tác thư viện tại Dự thảo Luật; tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Dự thảo Luật.
Chiều 23/5, thảo luận tại tổ, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật này.
(Nguồn: bvhtdl.gov.vn)