(TTCNTT) - Ngày 22/5, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc Phủ Chủ tịch (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học "Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam".
Ông Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham gia của 150 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cho rằng, trong những ngày này, mỗi người Việt Nam lại bồi hồi nhớ về Bác kính yêu, lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đã cống hiến trọng đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Người để lại cho đất nước, cho Đảng ta, nhân dân ta một văn kiện lịch sử vô giá, đó là bản Di chúc thiêng liêng mà đến nay và mãi về sau, chúng ta luôn ghi nhớ, học tập và làm theo.
"Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bật đại trí, đại nhân và đại dũng, là kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Di chúc là lời căn dặn thiết tha, chứa đựng tình cảm, hoài bão và khí phách, thể hiện trong từng lời nhắc nhở dặn dò trước lúc Bác đi xa"- Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh.
Khẳng định tình cảm của Bác Hồ với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lớn của Đảng với nhiều nội dung phong phú và thiết thực. Việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Toàn cảnh Hội thảo
Các ý kiến phát biểu cùng 48 tham luận tại hội thảo đã làm rõ hoàn cảnh ra đời và quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc, quá trình công bố và xuất bản tài liệu này của Bác; phân tích những nội dung cơ bản của Di chúc và đưa ra những nhận định sâu sắc về giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho sự nghiệp cách mạng của nước ta. Nhiều ý kiến khẳng định những thành tựu to lớn mà đất nước ta đạt được sau 50 năm thực hiện những lời căn dặn trong Di chúc của Bác. Đảng, Nhà nước đã vận dụng tư tưởng trong bản Di chúc vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong sự nghiệp đổi mới; rèn luyện đạo đức, phong cách, phẩm chất của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng, thương bệnh binh, cựu thanh niên xung phong; phát triển kinh tế và văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;…
Các ý kiến thống nhất nhận định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúclà định hướng cơ bản, quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam hôm nay và cả mai sau.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)