(TTCNTT) - Công tác di sản, sưu tầm hiện vật tỉnh Ninh Thuận đạt nhiều thành quả đang ghi nhận sau 05 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 239 di tích được kiểm kê, gồm các loại hình: Đình làng 48 di tích; chùa 86 di tích, miếu 18 di tích; nhà thờ 24 di tích; lăng (lăng thờ cá Voi/cá Ông) 12 di tích; tháp Chăm 03 di tích; thánh đường Hồi giáo 10 di tích; đền thờ của người Chăm 13 di tích; phế tích và bia ký Chăm 06 di tích; di tích lịch sử cách mạng 11 di tích; danh thắng 08 di tích.
Tháp Po Klong Garai đậm nét Chăm ở Ninh Thuận. (Nguồn: vnexpress.net)
Toàn tỉnh đã có 58 di sản văn hóa được các cấp công nhận và xếp hạng, bao gồm: 14 di tích cấp quốc gia (trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt (tháp Pô Klong Garai và tháp Hòa Lai); 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm Lễ hội Katê của người chăm và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc; 42 di tích cấp tỉnh.
Trong đó, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể địa diện của nhân loại. Ninh Thuận vinh dự nằm trong danh sách 21 tỉnh, thành được công nhận danh hiệu này. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung công tác phối hợp xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm tỉnh Ninh Thuận đệ trình UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Ngoài ra, công tác sưu tầm hiện vật trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định như: Trong năm 2017 và 2018 sưu tầm và nhập kho 650 hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học; chụp ảnh kiểm kê khoa học 385 hiện vật; kẹp sổ đăng ký và phân loại 360 lý lịch hiện vật...
Bên cạnh đó, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất năm 2015 và lần thứ Hai năm 2018. Năm 2018, hoàn thành công tác xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đối với Miếu Đông Sơn, phường Văn Hải, Đình Mỹ Phước, phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; Miếu Thanh minh, xã Nhơn Hải; và Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh Vịnh Vĩnh Hy và Hang Rái, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Lễ Bỏ mả của người Raglai được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)