SharePoint
Liên kết web
 
 

Du lịch Thái Nguyên hướng đến phát triển bền vững

04/05/2019 13:39
(TTCNTT) - Ba năm gần đây, ngành Du lịch tỉnh Thái Nguyên có chiều hướng phát triển mạnh. Thị trường du lịch đang dần sôi động, lượng du khách đến với Thái Nguyên tăng nhanh, từ 2 triệu lượt/năm 2016 lên 2,5 triệu lượt/năm 2018. Tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch tăng từ khoảng 200 tỷ đồng/năm 2016, lên hơn 400 tỷ đồng/năm 2018. Kết quả này khẳng định ngành Du lịch đang có hướng phát triển bền vững, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Để đạt được kết quả trên là do tỉnh có cơ chế chính sách phù hợp, nên tạo được môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân cơ bản thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến Thái Nguyên đăng ký hợp tác về phát triển du lịch, dịch vụ, như: Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Đông Tam Đảo và Tuyến đường kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên của Tập đoàn T&T; Dự án Khách sạn 5 sao Crown Plaza và nhà ở thương mại kết hợp phố đi bộ, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên của Công ty cổ phần Vườn Thời Đại Việt Nam; Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; Dự án đầu tư xây dựng Khu văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng Linh Sơn Hills của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và Công nghiệp Việt Nam…

Ngành Du lịch tỉnh Thái Nguyên hướng đến phát triển bền vững.

Cùng với cơ chế sách thông thoáng phù hợp với luật pháp, Thái Nguyên còn có cơ sở hạ tầng thuận lợi cho phát triển ngành du lịch. Từ Thái Nguyên, du khách có thể đến các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Cùng đó, các lĩnh vực dịch vụ xã hội như viễn thông, dịch vụ vận tải công cộng, hệ thống điện, hệ thống cấp, thoát nước được quan tâm đầu tư, đáp ứng kịp thời cho ngành du lịch phát triển

Nhất là trong thời đại thế giới hội nhập, công nghệ thông tin phát triển, Thái Nguyên đã nhanh chóng tiếp cận với du lịch 4.0. Từ năm 2018, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Viễn thông Thái Nguyên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai "Du lịch thông minh" trên địa bàn tỉnh. Đến đầu năm 2019, việc triển khai "Du lịch thông minh" được 2 đơn vị này hợp tác sâu hơn. Từ tháng 3, Sở đã xây dựng hoàn thiện Đề án Du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2021 và giai đoạn 2021-2025. Đây có thể coi là bước đầu của phát triển du lịch bền vững, bởi "Du lịch thông minh" sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch, tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng là du khách, chính quyền và doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên: Xây dựng hệ thống "Du lịch thông minh" được dựa trên quan điểm lấy người dân, du khách làm trọng tâm, các ứng dụng ICT nhằm tăng tính kết nối thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác quy hoạch, điều hành các mặt hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý. Quan trọng hơn là nâng cao trải nghiệm cho người dân và du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; đồng thời là tiền đề hướng đến xây dựng không chỉ "Du lịch thông minh", mà còn hướng Thái Nguyên tiến tới mô hình đô thị thông minh, phù hợp với xu thế toàn cầu.

Mục tiêu hướng đến là xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt 3,6 triệu lượt/năm. Lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch trên 3.500 người, Du lịch đóng góp 3,5% GRDP của tỉnh. Đến giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 10%, đóng góp được 6% GRDP của tỉnh. Phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt 5 triệu lượt/năm. Lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch trên 6.000 người.

Giải pháp phát triển "Du lịch thông minh" là xu hướng phát triển chung của xã hội bởi mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan tới du lịch. Với riêng du khách, sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và dễ dàng tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất. Với doanh nghiệp làm du lịch, sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh, quảng bá, góp phần tăng doanh thu. Nhưng để phát triển bền vững, xứng tầm, nhất là trong cách làm du lịch mới như hiện nay, ngành du lịch của tỉnh đã đúc kết, tạo liên kết chuỗi; đầu tư phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch hoàn chỉnh.

Từ đó định dạng rõ 3 loại hình sản phẩm du lịch chủ lực gồm: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc; Du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vùng chè và văn hoá trà; Du lịch lịch sử về nguồn ATK Định Hoá liên kết với các khu, điểm du lịch và di tích lịch sử văn hoá của các tỉnh trong vùng Việt Bắc. Với các đơn vị thành viên Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng đã có nhận thức được bài bản về "Du lịch thông minh". Chính vì vậy mà hầu hết các đơn vị đều chủ động đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các dịch vụ. Nhiều đơn vị tự bỏ tiền xây dựng trang mạng riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhận đặt hàng qua điện thoại hoặc mạng Internet.

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây