SharePoint
Liên kết web
 
 

Địa phương có vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai các kế sách để phát triển du lịch

03/05/2019 12:02
(TTCNTT) - Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên đóng vai trò nhạc trưởng trong các hoạt động phát triển về chất để thu hút khách du lịch. Các doanh nghiệp lớn có thể tham gia xây dựng các điểm dừng đón đến trung tâm mua sắm để tăng nguồn thu ngoại tệ.

Sáng 2/5, trong khuôn khổ những hoạt động của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 đã chính thức diễn ra phiên hiến kế về du lịch với chủ đề thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam. Phiên hiến kế cho ngành du lịch đã thu hút nhiều đại biểu tham dự với nhiều ý kiến tâm huyết trên tinh thần xây dựng và hướng tới mục tiêu để ngành du lịch trở thành mũi nhọn.

Toàn cảnh phiên hiến kế về du lịch - Ảnh Song Đào

Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần HG nêu ý kiến Việt Nam cần thành lập các văn phòng quảng bá du lịch ở nước ngoài. Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản rất thành công ở nước ta vì họ có văn phòng ở đây, có nhiều sáng kiến hợp tác để phát triển thị trường khách du lịch Việt Nam.

Ông Cao Trí Dũng – đại công ty Vietnam Travelmart đặt câu hỏi "Làm sao để tăng khoản chi tiêu và thời gian của khách quốc tế?".

Theo ông Cao Trí Dũng cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam đáp ứng hầu hết nhu cầu cơ bản của khách chất lượng cao về hàng không, ăn ngon, ngủ tốt... Nhưng để kéo dài thời gian lưu trú của khách, ngành du lịch cần gia tăng tiện ích với những hoạt động như mua sắm, đánh golf, show biểu diễn...

"Hiện Việt Nam chưa gắn nhu cầu của khách với giá trị văn hóa địa phương. Nếu muốn khách lưu trú trên 10 ngày, cần khai thác giá trị văn hóa cộng đồng, làng nghề...", ông Dũng nói.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Cao Trí Dũng cần có giải pháp khung pháp lý khi triển khai những cơ sở trong thành phố, các điểm đến lớn, khu trung tâm. Cần hoàn thuế cho khách tại điểm đến thay vì hoàn thuế tại sân bay.

Việt Nam cần triển khai triệt để sản phẩm gắn với văn hoá. Mỗi địa phương một sản phẩm để hình thành một hệ thống Vietnam Local Products, song cần xác định đâu là sản phẩm dành cho khách chất lượng cao khi tới làng nghề văn hóa truyền thống.

Tổng giám đốc Hanoi Redtours , ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ, hiện nay những tài nguyên du lịch của Việt Nam được khai thác rất hoang sơ, đơn điệu thay vì được gọt giũa để gia tăng giá trị. Mỗi khi tài nguyên du lịch được phát hiện, các cá nhân tự phát triển theo lối riêng chứ chưa khai thác đúng giá trị. Chính vì thế dẫn đến thực trạng là các tài nguyên du lịch này nhanh chóng bị xâm hại và phá vỡ. Điều này khiến cho sản phẩm du lịch của chúng ta bị đơn điệu, kém hấp dẫn thậm chí tạo ấn tượng không tốt đối với khách quốc tế…

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Transviet Travel cho rằn, cần có một bộ tiêu chí chấm điểm về an ninh trật tự, quản lý môi trường điểm đến, cơ sở hạ tầng, chất lượng và sự hấp dẫn. Các tiêu chí này được đánh giá bởi khách du lịch, các chuyên gia lữ hành, thực hiện hàng năm. Ví dụ cần kết nối với xuất nhập cảnh khách cần cung cấp email để chúng ta gửi khảo sát. Việc công bố xếp hạng sẽ giúp các tỉnh nhìn lại mình. Kết quả này sẽ định hướng du khách tới các nơi có điểm số cao để thúc đẩy du lịch chung trong cả nước.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Transviet Travel - Ảnh Vnexpress

"Vai trò của địa phương là vô cùng quan trọng trong triển khai các kế sách. Ngày trước Sầm Sơn (Thanh Hoá), còn bị du khách tẩy chay vì nhiều tiêu cực nhưng đã chuyển mình khoảng 3 năm nay", ông Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt thì Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên đóng vai trò nhạc trưởng trong các hoạt động phát triển về chất để thu hút khách du lịch. Các doanh nghiệp lớn có thể tham gia xây dựng các điểm dừng đón đến trung tâm mua sắm để tăng nguồn thu ngoại tệ…. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành văn hóa với du lịch để các sản phẩm hấp dẫn hơn.

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây