Suy thoái đạo đức như những mầm u nhọt
Trong bất cứ xã hội nào, người thầy luôn là một chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo, là "kiến trúc sư trí tuệ" tạo ra thế hệ tương lai của dân tộc. Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng một nhà giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau.
Sinh thời, Bác Hồ đã nhận định: "Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay, do đó, sẽ có trò giỏi, còn thầy đã kém thì khó lấy gì bù đắp nổi". Chính vì vậy, trong thời gian qua, những tiêu cực liên quan đến chất lượng giáo dục và đặc biệt là đạo đức người giáo viên đang đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ.
Cần nâng cao tính pháp lý của các quy định đạo đức giáo viên bằng cách đưa vào Luật
Vụ gian lận thi cử xôn xao dư luận ở Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang cho thấy chất lượng giáo dục ở một số địa phương đang ở mức thấp. Họ nâng điểm cho con cán bộ, tiếp tay cho những học sinh dốt (tôi dùng từ dốt bởi có những học sinh khi chấm lại cả ba môn chưa được 1 điểm) nghiễm nhiên trở thành thủ khoa Đại học. Sự thách thức pháp luật, sự cố ý vi phạm pháp luật, sự vô đạo đức có đủ ở những người mệnh danh nhà giáo trong trường hợp này.
Một nước phát triển như Mỹ, họ vô cùng coi trọng tính trung thực và minh bạch trong giáo dục. Có lẽ chỉ cần đọc thư gửi thầy giáo của A. Lincoln (Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ) về việc "Thà chấp nhận điểm kém còn hơn gian dối trong học tập", chúng ta cũng đủ hiểu việc coi trung thực là đức tính hàng đầu trong giáo dục của Mỹ.
Gần đây, vụ bê bối chạy điểm ở Mỹ bị phanh phui và những phụ huynh nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với tội rửa tiền, lừa đảo và phải ngồi tù có thể lên đến 20 năm.
Trong trường cấp 3 hay ở đại học, dù là học sinh hay là nghiên cứu sinh, việc trung thực trong học tập, làm bài, làm báo cáo là một trách nhiệm đầu tiên của bất kỳ người học nào. Còn ở ta, coi nặng thành tích, nâng điểm để giành suất đi học cho con lãnh đạo. Dẫu chỉ là một vài trường hợp cá biệt, nhưng đó cũng là biểu hiện của những cái u nhọt trong một cơ thể, nếu không điều trị chấm dứt, chắc chắn mầm bệnh sẽ lây lan. Xã hội trông chờ vào việc xử lý đúng người, đúng tội từ pháp luật để trả lại môi trường lành mạnh cho giáo dục.
Đau lòng thay, sự suy thoái trong đạo đức giáo viên vẫn chưa dừng ở đó.
Câu chuyện về nữ giáo viên ở cùng một phòng trong nhà nghỉ với nam học sinh; thầy giáo sờ mông, sờ đùi, sàm sỡ học sinh; thầy cô giáo quan hệ bất chính, đưa nhau đi nhà nghỉ rồi nói "bị sốt rét nên phải ôm cho đỡ lạnh"… nhan nhản trên mặt báo, thật sự là những vết nhơ của ngành giáo dục.
Điều mà dư luận lo ngại là, với đạo đức giáo viên như vậy, những người thầy ấy có thể dạy được gì cho các thế hệ học sinh? Họ có nêu được tấm gương đạo đức để không hổ thẹn khi đứng trên bục giảng?
Đạo đức giáo viên là vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm. Ảnh: Dân trí
Cần chế tài đủ mạnh
Bộ Giáo dục đã có quy định đạo đức nhà giáo, tuy nhiên vấn đề đặt ra là đưa quy định vào luật để nâng cao tính pháp lý. Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình quan điểm này.
Tại phiên họp giữa tháng 3/2019, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự luật Giáo dục (sửa đổi). Tại cuộc họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, xưa nay nghề giáo được xem là cao quý, được người dân tôn trọng. Tuy nhiên, gần đây xảy ra một số vụ giáo viên xâm hại học sinh, cá biệt nhưng được cả xã hội quan tâm. "Một vài người lệch chuẩn mực, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý, nhưng những hành vi đó tác động lớn đến tâm lý của xã hội. Tôi mong muốn dự luật Giáo dục có quy định rõ ràng để giáo viên thực hiện", bà Nga nói.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa Xl về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh: "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực".
Để đạt được những mục tiêu đó, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó người thầy đóng một vai trò quan trọng. Vì thế, không thể tách rời trách nhiệm đạo đức với vai trò nghiệp vụ, trình độ chuyên môn của người thầy. Chỉ có người thầy mẫu mực mới có được những thế hệ học sinh chuẩn mực, góp phần cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)