Tham dự buổi lễ có đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng các vị đại sứ, trưởng phái đoàn ngoại giao; các thầy, cô, học sinh và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội cho biết: Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris năm 1995, UNESCO (tổ chức văn hóa, giao dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là "Ngày Sách và Bản quyền thế giới) để tôn vinh giá trị to lớn của sách và đề cao tôn trọng bản quyền. Nhiều quốc gia đã hưởng ứng ngày này và tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực dưới nhiều hình thức chủ đề phong phú khác nhau. Năm 2006, Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện đầu tiên tổ chức Ngày hội Sách hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới và trở thành một hoạt động kiểu mẫu được nhân rộng ở các thư viện trên toàn quốc những năm tiếp theo, góp phần tích cực cổ vũ việc đọc sách trong cộng đồng xã hội.
Bà Kiều Thúy Nga cũng cho biết: "Tiếp tục phát huy những thành công của Ngày Hội sách trong những năm trước, Thư viện Quốc gia tổ chức Ngày Hội Sách năm 2019 với chủ đề "Sách – kết nối tri thức và Phát triển". Thông qua những hoạt động của Ngày Hội sách 2019, Ban tổ chức mong muốn gửi tới mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ một thông điệp "Trong đời sống của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức phong phú, cung cấp cho con người nguồn kiến thức vô tận, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Hãy quý trọng sách và đọc sách mỗi ngày để tiếp nhận tri thức, tăng cường khả năng tư duy, phân tích, tạo tiền đề cho sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội".
Đại biểu cắt băng khai mạc Ngày hội Sách năm 2019.
Trong khuôn khổ của Ngày Hội năm nay bao gồm các hoạt động chính: Thi kể chuyện theo sách bằng tiếng Việt do giáo viên một số trường phổ thông thể hiện kể cho học sinh nghe; Thi kể chuyện theo sách bằng tiếng Anh do các em học sinh tiểu học thể hiện; Thi vẽ tranh theo sách, qua sự sáng tạo của các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở; Thi nhận diện tác giả, tác phẩm tiêu biểu…
Trong đó, triển lãm "Sách – kết nối tri thức và Phát triển" giới thiệu hơn 700 tư liệu cung cấp cho bạn đọc thông tin hữu ích về quá trình hình thành và phát triển tri thức thông qua các học thuyết, các phát minh, sáng chế vĩ đại; các tinh hoa tri thức nhân loại, các nền văn hóa, văn minh và những điều bí ẩn của giới tự nhiên cùng những khám phá của con người; sự kết nối tri thức từ quá khứ, hiện tại với tương lai, tạo tiền đề cho phát triển và mang lại nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ…
Các đại biểu tham quan triển lãm.
Ngoài ra, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức một hoạt động chủ đề dành cho các cháu lứa tuổi mầm non làm quen, trải nghiệm Thư viện nhằm xây dựng cho các cháu thói quen, niềm say mê đọc sách từ nhỏ.
Đặc biệt là phần giao lưu tọa đàm tác giả - tác phẩm, giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách tiêu biểu, mang tính giáo dục, định hướng cao của các nhà xuất bản. Ban tổ chức đã lựa chọn 2 tác phẩm: Tranh Tết, nét tinh hoa truyền thống Việt của tác giả PGS. TS Trang Thanh Hiền do Công ty cổ phần sách Thái Hà xuất bản và Tác phẩm "Mai rồi mưa tạnh trong xuân" của tác giả Thái Kim Lan do NXB Kim Đồng xuất bản. Tại đây, bạn đọc đã được giao lưu với hai tác giả và các khách mời: TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần sách Thái Hà; Nhà văn Lê Phương Liên; Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.
Cũng trong chương trình Ngày hội còn diễn ra các hoạt động như: Trưng bày các bức tranh của các cháu thiếu nhi đạt giải tại cuộc thi vẽ trong Ngày hội Sách 3 năm gần đây; Tổ chức tiếp nhận và chia sẻ sách tài trợ của các cơ quan, tổ chức, nhà sách, nhà xuất bản, các cá nhận… tặng một số trường học, thư viện gặp nhiều khó khăn trong cả nước; Giới thiệu một số gian hàng bán sách giá ưu đãi của các nhà xuất bản, nhà sách và Công ty phát hành…
Một số hoạt động tại Ngày hội Sách năm 2019:
Thi kể chuyện theo sách bằng tiếng Việt.
Thi nhận diện tác giả, tác phẩm.
Thi nhận diện tác giả, tác phẩm.
Giao lưu tọa đàm tác giả - tác phẩm, giới thiệu.
Triển lãm ảnh.
Học sinh tham quan triển lãm sách.
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định chọn ngày 21/4 hằng năm là "Ngày Sách Việt Nam'. Đây là quyết định đúng đắn, mang tính chiến lược của Chính phủ, đã đi vào cuộc sống và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Qua 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách VIệt Nam đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của sách và việc đọc sách trong đời sống cộng đồng: Gần 160 xuất bản phẩm với gần 1.9 tỷ bản đã được phát hành; số lượng đầu sách, số lượt đọc và tổng doanh thu của sách điện tử, sách tương tác thông minh đều có sự gia tăng theo hàng năm, hứa hẹn mang đến thêm một sự lựa chọn cho các tác giả cũng như hệ thống xuất bản, phát hành; mô hình "đường sách", "phố sách" đã được phát huy hiệu quả; 100% thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc nhằm mục đích tuyên truyền, phố biến, quảng bá rộng rãi các giá trị văn háo tinh thần của sách…
Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Ngày hội Sách được tổ chức trong 5 năm gần đây với nhiều hoạt động ngày càng được đổi mới, đi vào chiều sâu, đã thu hút khoảng 10.000 người tham gia sự kiện thuộc đủ mọi lứa tuổi, thành phần như: học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và đông đảo người dân. Thông qua hoạt động tổ chức thường niên này, Ngày hội Sách đã trở thành nét đẹp văn hóa được cộng đồng hưởng ứng đón nhận.
|
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)