Để hướng tới xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vấn đề xây dựng đạo đức luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong mọi giai đoạn Cách mạng. Sinh thời, Bác Hồ quan niệm đạo đức là nền tảng, là sức mạnh của người cách mạng. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Với quan niệm đạo đức sẽ tạo ra sức mạnh và là nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc, Người chỉ rõ: "Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém". Người đã so sánh đạo đức như nguồn của sông, như gốc của cây, người cách mạng cần phải có thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người đã nhấn mạnh: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Thực hiện Di chúc của Người, không ngừng tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng là một nhiệm vụ đặt ra đối với cán bộ, đảng viên. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc tu dưỡng đạo đức là một quá trình và phải duy trì suốt đời. Với Người: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Trong cuộc sống, những lời chỉ dạy của người về đạo đức luôn giản dị và cụ thể. Ngay từ năm 1927, trong "Đường Cách mệnh", Bác Hồ chỉ rõ "Tư cách một người cách mệnh" là:
Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật.
Đối với người: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người.
Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh rõ ràng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể".
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay khi chính quyền còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được tầm quan trọng của vấn đề đạo đức cách mạng, nên đã nhiều lần căn dặn, nhắc nhở cán bộ phải nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ: "Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng".
Nếu nói một cách tóm lược, Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức người cách mạng phải đảm bảo được các mặt: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư, hoặc đạo đức đơn giản là: "Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân". Trong tác phẩm "Đời sống mới", Hồ Chí Minh đã cảnh báo: "Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân".
Hồ Chí Minh luôn coi cán bộ là "gốc" của mọi công việc. Người nói: "Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy cán bộ là cái gốc của mọi công việc".
Trong công việc, Hồ Chủ tịch đề cao chữ Trí. Với Người: "Trí là không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xem việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian."
Bác Hồ luôn xem việc tự rèn luyện, phê bình, tự phê bình là điều kiện cơ bản để hình thành và giữ vững đạo đức cách mạng. Khi nói với đại biểu các đơn vị tham dự hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II tại Việt Bắc năm 1950, Người nói: "Tự phê bình và phê bình phải thật thà vạch khuyết điểm. Có lỗi mà không vạch ra không khác gì người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc... Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước..." .
Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình để tẩy trừ những thói tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân, Bác đề cao chữ Nhân và chữ Nghĩa. "Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì, thì việc gì là việc phải họ đều làm được.
Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy. Không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn".
Biết lắng nghe ý kiến của quần chúng cũng là một nội dung được đặt ra. Tại buổi nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận tại Hà Nội, tháng 8 năm 1962, Người đã căn dặn: "Phải thành thực lắng nghe ý kiến của người ngoài đảng. Cán bộ và đảng viên không được tự cao tự đại, cho mình là tài giỏi hơn mọi người. Trái lại phải học hỏi điều hay điều tốt của mọi người..."
Trong tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu cầu học suốt đời luôn được đặt ra. Người đã xác định: "cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi", vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên của Đảng phải cố gắng học tập. Quá trình học tập đó, là "học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn", chứ không phải là học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin. Đặc biệt, học để trang sức, học không phải để vận dụng vào công việc cách mạng, học để lòe người khác, để "diễn gương" trước tổ chức và mọi người - đó cũng là chủ nghĩa cá nhân.
Ngày 9 tháng 12 năm 1961, khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, Bác Hồ đã tâm sự: "tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau". Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được xác định: "Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân" . Một trong những kênh quan trọng giúp con người có thể không ngừng hoàn thiện và nâng cao hiểu biết là sách vở. Vì thế Người đã khuyên: "siêng xem sách và xem được nhiều sách là một việc đáng quý".
Điều quyết định sự hình thành, phát triển năng lực ở mỗi cá nhân phụ thuộc vào sự cầu thị và không ngừng rèn luyện. Bác Hồ đã chỉ rõ: "Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có". Vì thế, với Người, "Chỉ có một thứ ham là ham học, làm việc, ham tiến bộ".
Xây dựng đạo đức và hình thành lối sống đẹp là một nhiệm vụ quan trọng với mỗi người. Từ những lời dạy của Bác, chúng ta sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Thay cho lời kết, tôi xin được nhắc lại những lời nhắn nhủ của Người trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (năm 1947): "Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những đức tính tốt, ngày càng thêm". Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, mỗi chúng ta sẽ có thêm những bài học bổ ích để không ngừng tu dưỡng và hoàn thiện bản thân để tham góp tích cực hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)