Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Về phía Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tham dự Hội thảo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bên phải) phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: "Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội. Văn hóa ứng xử nói chung được thể hiện ở các lĩnh vực cuộc sống: Lối sống, lý tưởng, niềm tin, tình yêu nghề nghề nghiệp, văn hóa chấp hành luật pháp, nội quy, quy định trong nhà trường, văn hóa thực hiện công vụ, văn hóa giao tiếp, văn hóa ăn mặc, sức khỏe, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, trình độ xã hội, việc ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Cho đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tích cực xây dựng ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ như: Đề án Văn hóa công vụ để Chính phủ phê duyệt đã có quy định về tinh thần, thái độ văn hóa ứng xử, đạo đức ứng xử, trang phục của cán bộ, công chức, viên chức và những quy định khác; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Quy tắc ứng xử trong trường học để xây dựng văn hóa trường học lành mạnh; UBND TP Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Bộ Y tế ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở y tế…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo
Qua thời gian triển khai các Quy tắc ứng xử đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực, qua đó xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, lối sống lương thiện, đề cao trách nhiệm,lương tâm vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, đất nước, mạnh dạn đấu tranh với các hành vi xấu…Tuy nhiên, việc thực hiện quy tắc ứng xử trong văn hóa vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vẫn còn những vi phạm của cán bộ trong nội bộ hoặc với người dân, gây bức xúc trong dư luận, còn tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tình trạng vô cảm trong xã hội…
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, để khắc phục các tình trạng nêu trên cần có nhiều giải pháp kịp thời, trong đó có tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan báo chí trong việc truyền thông văn hóa ứng xử. Thực tế chứng minh báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay. Trong đó, báo chí với các chức năng quan trọng là giáo dục tư tưởng, tuyên truyền cổ động, hướng dẫn và định hướng dư luận, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử, ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức trong gia đình và xã hội.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhằm xác định những đặc điểm của văn hóa con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; Phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực đời sống xã hội và xác định vai trò của báo chí trong việc lan tỏa những thông điệp điển hình để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử; Nêu những bài học kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt, phê phán cái xấu trong xã hội; Đề xuất giải pháp để nâng cao vai trò của báo chí về truyền thông chuẩn mực văn hóa ứng xử trong thời gian tới.
Nhiều tham luận, ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo đã khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử tạo nên những hình ảnh đẹp trong văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đồng thời thẳng thắn chỉ những hạn chế của báo chí khi đưa tin như giật gân, câu khách, làm sai lệch vấn đề…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng, là động lực để phát triển xã hội. Trong đó, báo chí cũng là một phần của văn hóa. Mỗi một sản phẩm báo chí là một sản phẩm của văn hóa; mỗi nhà báo là một chiến sĩ văn hóa trên mặt trận tư tưởng.
Toàn cảnh Hội thảo
Nhận định về vai trò quan trọng của văn hóa, Phó Thủ tướng cho rằng: "Một dân tộc có nền kinh tế phát triển cũng đáng được ca tụng, nhưng sẽ vinh dự, tự hào hơn nếu được ca ngợi là một dân tộc có văn hóa"
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong ứng xử văn hóa của người Việt Nam hiện nay như chen lấn, lãng phí, ồn ào, trễ giờ… Do đó báo chí không những phản ánh mà cần tạo sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng xây dựng đời sống văn hóa. Báo chí định hướng dư luận xã hội, thay đổi hành vi cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu. Phải làm sao để báo chí thấm sâu vào quần chúng, làm sao để văn hóa thấm sâu vào tâm lý của quốc dân.
Để làm được điều đó, báo chí không chỉ đưa tin phản ánh, mà phải phân tích hành vi đó xét trên góc độ văn hóa, từ đó đưa ra khuyến nghị về ứng xử. Cùng với đó còn cần những tác phẩm đi vào lòng người của báo chí và những chuyên gia nghiên cứu về văn hóa. Đồng thời cần có cơ chế khuyến khích, động viên các bài viết có đóng góp để làm thay đổi hành vi văn hóa hướng tới chuẩn mực – Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng mong các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy, triển khai các bài viết về ứng xử văn hóa nhằm lan tỏa những hành động đẹp, hành động văn hóa. Phó Thủ tướng cũng gợi mở, khuyến khích Hội Nhà báo Việt Nam có giải thưởng báo chí dành cho các bài viết về văn hóa ứng xử trong thời gian tới.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)