Dự chương trình này có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Ngoài ra, chương trình này còn có sự góp mặt của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang-seo cùng 63 điểm cầu trên khắp cả nước.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đội ngũ thầy thuốc. "Đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, tri ân những người được giao trọng trách chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân" – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng phát biểu tại lễ phát động chương trình sức khỏe Việt Nam. Ảnh: Chính phủ
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thực hiện lễ phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Một số chỉ số đạt mức các nước phát triển có thu nhập khá.
Tuy nhiên, mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mãn tính, những căn bệnh này đang chiếm tới hơn 70% số tử vong hằng năm.
Để thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Các đại biểu dự lễ đạp xe hưởng ứng Chương trình.
Cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý liên tục tại nơi sinh sống, nhất là đối với những người mắc các bệnh mãn tính và người cao tuổi. Mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe ngay từ khi trong bụng mẹ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe, trong đó chú trọng giảm tiêu thụ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm có nguy cơ gây bệnh. Cải thiện và bảo vệ môi trường sống như đất, nước, không khí , rác thải, tiếng ồn, nhà vệ sinh, sóng điện tử… Phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước ở trẻ em…
Khuyến khích tổ chức sản xuất kinh doanh, cung cấp thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng cho từng lứa tuổi. Đặc biệt, lưu ý thực hiện tốt chương trình dinh dưỡng học đường, sữa học đường, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nhất là thể thấp còi.
Phát triển thể dục thể thao và tăng cường rèn luyện thân thể, trước hết là trong hệ thống giáo dục phát huy kết quả đạt được tiếp tục đẩy mạnh giáo dục thể chất trong nhà trường, tạo sự lan tỏa sâu rộng, phát triển thể dục thể thao trong các cơ quan, các xí nghiệp và toàn xã hội. Tạo điều kiện khuyến khích người dân tiếp cận sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục thể thao.
Thủ tướng cũng kêu gọi mỗi người dân hãy bắt đầu ngay từ việc thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, cho gia đình, và cộng đồng xã hội. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, thực hiện đúng các hướng dẫn của bác sĩ, của thầy thuốc. Có chế độ ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý.
HLV Park Hang-seo khám sức khỏe tại Chương trình.
Tại buổi lễ này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngành VHTTDL đã phối với các ban ngành, đoàn thể và địa phương để đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục thể thao. Thông qua việc triển Đề án phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030, ngành đã xây dựng cho học sinh sinh viên các bài tập thể dục giữa giờ, các bài võ cổ truyền, các môn thể thao trong trường học…
Đến năm 2018, số người thường xuyên tập luyện thể dục thể thao đạt khoảng 32%, số gia đình thể thao tập luyện thường xuyên đạt 23%, số trường học đảm bảo chương giáo dục thể chất chính khóa đạt 100%, tỉ lệ cán bộ chiến sĩ ngành công an, quân đội đạt 95%. Cùng đó, 63/63 tỉnh thành trên cả nước đều tham gia Đại hội thể dục thể thao toàn quốc.
Nhờ phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh, thể thao Việt Nam trong những năm qua đạt được những thành tích vượt trội trên các đấu trường khu vực và quốc tế. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng kêu gọi các cơ quan, ban ngành, người dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào tập thể dục.
Tại buổi lễ này, các đại biểu tham dự chương trình đã cùng đạp xe để hưởng ứng chương trình sức khỏe Việt Nam. Đặc biệt, mỗi đại biểu tham gia chương trình đều được đội ngũ thầy thuốc tiến hành khám sức khỏe ban đầu.
Được biết, Chương trình sức khỏe Việt Nam do Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp triển khai.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)