(TTCNTT) - Chiều 25/2, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) đã tổ chức trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Triển lãm giới thiệu đến người xem hơn 32 hình ảnh, tài liệu và 20 phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn. Các tài liệu này sẽ giúp người xem hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của các Quốc hiệu và kinh đô của Việt Nam trải qua các thời kỳ lịch sử.
20 phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn được giới thiệu tại Triển lãm
Các tài liệu được trưng bày gồm: Đại Việt sử ký toàn thư, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập; Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục gồm Xích Qủy thời Kinh Dương Vương, Văn Lang thời Hùng Vương, Âu Lạc thời An Dương Vương, Vạn Xuân thời Tiền Lý, Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê, Đại Việt thời Lý - Trần - Lê, Đại Ngu thời nhà Hồ, Việt Nam thời Gia Long và Đại Nam thời Minh Mệnh.
Mộc bản là những tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới, khắc ngược chữ Hán, Nôm trên gỗ để in ra thành sách, được dùng phổ biến trong thời kỳ phong kiến ở nước ta và đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Khối di sản này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Du khách trong nước và quốc tế tới xem Triển lãm
TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Triển lãm giới thiệu các Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong lịch sử được khắc ghi trong khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn dưới góc nhìn từ di sản văn hóa. Triển lãm phần nào tái hiện lại bức tranh sinh động về lịch sử dụng nước và giữ nước của dân tộc Việt qua những lần đặt, đổi Quốc hiệu và kinh đô đất nước; thể hiện khát vọng của các vương triều và ý chí độc lập, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân.
Hoạt động trưng bày sẽ kéo dài đến hết ngày 25/3.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)