Đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì cái tên Nhà hát CMNDG Việt Bắc luôn được yêu quý, chờ đón…
“Đi dân nhớ, ở dân thương…”
Vừa kết hợp với Đoàn NT dân tộc Bắc Kạn tổ chức 5 đêm diễn liên tiếp tại các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Ba Bể tại Bắc Kạn thì các nghệ sĩ của Nhà hát CMNDG Việt Bắc đã có mặt biểu diễn phục vụ tại xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, một trong những xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thái Nguyên. Nhà hát cũng đã lên lịch cho 15 suất diễn phục vụ nhân dân và chiến sĩ tại vùng sâu, vùng biên giới thuộc Lạng Sơn vào trung tuần tháng 2 này.
Một tiết mục của Nhà hát trong chương trình lưu diễn phục vụ bà con trong dịp Tết vừa qua
NSND Nông Xuân Ái, Phó Giám đốc Phụ trách cho biết: “Đặc thù biểu diễn của Nhà hát CMNDG Việt Bắc đó là thường xuyên lưu diễn ở các vùng sâu, vùng xa, đối tượng phục vụ chủ yếu là đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm vui của các anh chị em nghệ sĩ mỗi độ Tết đến xuân về, mang niềm vui, sự hân hoan phấn khích đến cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, nơi không phải lúc nào cũng được đón nhận những giá trị đặc sắc của các dân tộc VN thông qua nghệ thuật biểu diễn. “Đi dân nhớ, ở dân thương” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc đối với Nhà hát. Hễ nghe đến sẽ có đoàn Việt Bắc về biểu diễn là bà con lại háo hức chờ đón”.
Còn gì hạnh phúc hơn khi những tác phẩm đậm bản sắc dân tộc địa phương và được chính khán giả địa phương đón nhận? Mặc dù điều kiện về thời tiết, kinh tế không thể tốt bằng đi biểu diễn ở các thành phố lớn, có những khi các nghệ sĩ phải hát múa dưới cái rét cắt da cắt thịt của gió mùa đông bắc, dưới những cơn mưa phùn ẩm ướt, chỉ sưởi ấm bằng bếp củi đỏ lửa mà người dân đốt lên nhằm mang chút hơi ấm cho các nghệ sĩ, diễn viên. Thế nhưng, họ vẫn cháy hết mình, vẫn miệt mài chờ đợi mỗi khi tối đến, dưới ánh đèn nhiều lúc không đủ sáng, sân khấu đôi khi ở giữa chợ, họ vẫn mang đến cho người dân những tiết mục với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, yêu mến, tự hào.
Các tiết mục biểu diễn của Nhà hát CMNDG Việt Bắc luôn mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, đậm tính nhân văn sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Bắc nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Đáng nhớ nhất đối với nghệ sĩ những đêm diễn mùa đông trong rừng. Sân khấu không có mái che, bốn bề trống hoác. Gió bấc lạnh cắt da, cắt thịt, nhưng anh em nghệ sĩ vẫn say mê diễn. Kết thúc đêm diễn, nơi ở của nghệ sĩ không phải là khách sạn, nhà nghỉ… mà hầu hết là nhà dân, trường học. Không có giường, chỉ có chiếc ghế ghép lại nằm tạm qua đêm, chờ đến buổi diễn hôm sau. Khó khăn là vậy, cũng có không ít người nản lòng nhưng rồi tình yêu nghệ thuật, tình đồng nghiệp và ý thức trách nhiệm của mỗi người trước khán giả đã giúp các nghệ sĩ trong Nhà hát vượt lên những khó khăn...
Và hành trình đi tìm về truyền thống
Làm nghệ thuật dân tộc phải thật sự tôn vinh được những giá trị đẹp nhất, ấn tượng nhất, mang đậm bản sắc dân tộc… trong mỗi lời ca, điệu múa. Những nghệ sĩ của Việt Bắc đi lên từ “dân gian”, bước ra từ cuộc sống sinh hoạt của mỗi dân tộc Việt Bắc. Trong họ, thấm đẫm văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Lô Lô… Bằng những nỗ lực học hỏi, họ đã nâng những điệu múa, câu hát của dân tộc mình thành nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu. Điều này đã khiến cho các chương trình của Nhà hát CMNDG Việt Bắc luôn có vị thế riêng trong đời sống nghệ thuật nước nhà.
Xác định rõ đối tượng phục vụ là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong quá trình xây dựng chương trình, tiết mục, Nhà hát luôn chú trọng đến sự đa dạng, phong phú, nhưng phải phù hợp với trình độ thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức của số đông khán giả nhất là đồng bào các dân tộc vùng núi. Không chỉ là những làn điệu dân ca, dân vũ vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Nhà hát còn xây dựng thêm các tiết mục ca múa nhạc của các dân tộc Tây Nguyên, Chăm, Khmer v.v… Tạo cho khán giả sự cảm nhận đa dạng về vốn nghệ thuật dân gian các dân tộc Việt Nam.
Để dàn dựng một chương trình nghệ thuật mới luôn là một thách thức đối với Nhà hát CMNDG Việt Bắc. Làm sao để chương trình phải thực sự đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng phải chắt lọc, nâng cao và phát triển bồi đắp cho nghệ thuật mang hơi thở hiện đại, phù hợp với nhịp sống hôm nay. Năm 2018, Trong thị trường nghệ thuật ca múa nhạc đầy sôi động của sân khấu Thủ đô thì Mỵ cũng như các chương trình nghệ thuật của Nhà hát muốn khẳng định được vị thế riêng là phải làm sao phải thật sự nổi trội bản sắc văn hóa dân tộc của vùng miền địa phương đó là văn hóa vùng Tây Bắc. Muốn các nhà đầu tư “dòm ngó” đến mình thì sản phẩm nghệ thuật phải thực sự được dàn dựng và diễn xuất thật chuyên nghiệp, tác phẩm vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nhưng cũng không thể lạc hậu. Và muốn vậy sẽ phải mạnh dạn cắt bỏ những gì đã quá cũ kỹ, phát triển, nâng cao những ưu thế nổi trội của văn hóa truyền thống.
“Để dàn dựng, biên đạo hay sáng tác âm nhạc cho nghệ thuật dân tộc khu vực Việt Bắc không phải nhạc sĩ, biên đạo nào cũng có thể làm được. Chúng tôi phải tận dụng đội ngũ sáng tạo ngay tại đơn vị và cả mời những nhạc sĩ, biên đạo múa tên tuổi về địa phương hợp tác dàn dựng. Việc đi lại, thực tế sáng tạo đối với nhà hát luôn khó khăn hơn các đơn vị khác và vì vậy số tiền thù lao cũng rất cao. Nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng cân đối thu chi để làm sao các chương trình nghệ thuật của đơn vị ra mắt phải thực sự đạt chất lượng”, NSND Nông Xuân Ái nhận định. Thật thú vị là có những nhạc sĩ khi được mời về đã bỏ công nghiên cứu nghệ thuật dân tộc ở các vùng miền đến say mê và rồi chỉ muốn làm nghệ thuật dân tộc.
Hành trình về nguồn tìm chất liệu để sáng tạo đối với Nhà hát Việt Bắc vô cùng khó khăn. Để gặp được các nghệ nhân là những bà bụt, những ông then, các nghệ sĩ phải trèo đèo lội suối vô cùng vất vả. Có những điệu múa, dân ca ở trong các lễ hội như hội lùng tùng, lễ cấp sắc, hội cầu mùa, cầu phúc, cầu an… đòi hỏi việc chi trả và làm như thật cũng vô cùng tốn kém như tiền bồi dưỡng cho các nghệ nhân, cho những người tham gia, tiền sắm đồ lễ thịt rượu, đèn nhang, quần áo, vải vóc… Đa phần nghệ sĩ của Nhà hát đều sinh ra và lớn lên từ cái nôi khu vực Việt Bắc. Chính vì vậy họ hiểu và gắn bó với Nhà hát bởi tình yêu và cả sự đam mê.
“Những người làm công tác lãnh đạo như chúng tôi đã phải tìm rất nhiều cách để giữ chân những tài năng ở lại với đơn vị. Sức ép của cơ chế thị trường cũng đã tác động rất lớn tới tâm tư, tình cảm của nghệ sĩ Nhà hát CMNDG Việt Bắc nhưng việc khuyến khích và tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ trụ lại địa phương. Tuy nhiên, ai cũng biết đồng lương của nghệ sĩ ca múa nhạc dân tộc hiện nay còn rất thấp, nếu không yêu nghề, không đau đáu với nghệ thuật dân tộc thì khó có ai trụ lại được với nghề. Việt Bắc tự hào đã và đang có một dàn diễn viên tài năng, am hiểu và đam mê nghệ thuật dân tộc. Sự hào hứng, cổ vũ của khán giả trong từng đêm biểu diễn là ngọn lửa thôi thúc chúng tôi sáng tạo và tận hiến vì nghệ thuật dân tộc”, NSND Nông Xuân Ái nói.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)