- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nhìn lại những thành tích đạt được trong một năm qua của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ trưởng ấn tượng với thành tích nào nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nhìn lại một năm vừa qua, có thể thấy ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2018 đã mở đầu với chiến thắng ấn tượng của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, giành Huy chương Bạc Giải bóng đá U23 Châu Á. Chiến công đó đã truyền lửa nhiệt huyết, tinh thần lạc quan, không khí mới mẻ tới không chỉ lĩnh vực thể thao mà tác động tới toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác. Và những ngày cuối cùng của năm dương lịch, Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã xuất sắc giành Cup Vô địch Giải AFF Cup 2018 sau 10 năm mong đợi.
Các hoạt động thể thao từ quần chúng tới thể thao thành tích cao đều đạt được những thành tích nổi bật… Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học có nhiều chuyển biến tích cực, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền trong các trường phổ thông; chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội… Đại hội thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức thành công đã khép lại một chu kỳ phát triển của thể thao Việt Nam, kết quả Đại hội cho thấy sự gia tăng về thành tích của các môn thể thao và đặc biệt là các môn thể thao Olympic, Asiad.
Ở lĩnh vực văn hóa, năm 2018 là năm có nhiều kết quả tích cực của nhiều lĩnh vực trong đó có thể kể đến Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ quy định ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, công tác quản lý lễ hội ngày một nề nếp hơn, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm.
Việc thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được triển khai sâu rộng ở cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có nhiều đổi mới, đã tạo sự lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý thức tự hào và tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, tính cố kết cộng đồng, đồng thời ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền của các di sản văn hóa. Năm 2018, Hội nghị "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững" được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị thực sự trở thành diễn đàn trao đổi, thảo luận, khẳng định vai trò công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững trong đời sống kinh tế, văn hóa, du lịch hiện nay.
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh đánh dấu nhiều bước tiến vượt bậc. Ngành điện ảnh đã tổ chức thành công nhiều chuỗi hoạt động, tuần phim... Với những nỗ lực lớn, toàn ngành đã tháo gỡ một số khó khăn trong quy trình thẩm định và cấp kinh phí đặt hàng sản xuất phim, thực hiện giải ngân các dự án phim tài liệu, phim khoa học, hoạt hình… theo kế hoạch đặt hàng của Nhà nước. Đáng lưu ý, hoạt động chiếu phim lưu động tiếp tục phục vụ 9,1 triệu lượt người xem ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Ở lĩnh vực du lịch, ngành tiếp tục đạt được những dấu mốc quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế, ngày 19/12/2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã đạt mốc thứ 15 triệu, đây là dấu mốc quan trọng của ngành trong năm và du lịch năm 2018 được coi là điểm sáng của nền kinh tế. Ngành cũng phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, dự kiến tổng thu từ khách du lịch sẽ đạt 620.000 tỷ đồng. Những con số này đang góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tiếp tục gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản đặc biệt trong việc góp phần tăng trưởng lượng khách cho các điểm đến…
- Phóng viên: Năm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, vì vậy, việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Trong báo cáo của Chính phủ nhận xét, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm. Xin Bộ trưởng cho biết, năm tới, đặc biệt là mùa lễ hội xuân sắp tới, Bộ sẽ có những chỉ đạo quyết liệt nào nhằm tổ chức và quản lý tốt các hoạt động lễ hội hơn nữa?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản liên quan. Theo đó, nhằm tổ chức và quản lý tốt các hoạt động lễ hội năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục, Vụ có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra lễ hội tại các địa phương trong toàn quốc. Đối với một số địa phương còn xảy ra những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội tổ chức năm 2018 phải xây dựng phương án chuyển đổi hình thức tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đối với Hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ; Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị địa phương xây dựng Đề án đổi mới hình thức tổ chức, 02 lễ hội này không được tổ chức khi Đề án chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các lễ hội được tổ chức năm 2019 và giai đoạn tiếp theo sẽ kiên quyết không để tồn tại việc lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo đúng mục tiêu của lễ hội là giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tính nhân văn cho người dân nhằm bảo tồn phát huy được những nét đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thông qua các hoạt động lễ hội.
- Phóng viên: Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng từng khẳng định, các di sản đã đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn trong sự phát triển du lịch Việt Nam, coi đầu tư cho di sản như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì không những thu hồi vốn rất nhanh mà còn có lãi lớn. Vậy trong chiến lược phát triển của ngành văn hóa và du lịch, ngành sẽ tập trung vào các nội dung chỉ đạo nào trong việc giữ gìn, bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị di sản?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trên cả nước hiện có trên 4 vạn di tích được kiểm kê, trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh; 3.466 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt… Đồng thời, Việt Nam đang đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á về số lượng di sản được UNESCO ghi danh (8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; 12 Di sản văn hóa phi vật thể; 07 Di sản tư liệu).
Các di sản đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Đặc biệt, chỉ tính riêng 08 khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đón trên 16 triệu khách (7 triệu khách quốc tế; 9 triệu khách trong nước), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 2.535 tỷ đồng. Đó là chưa kể tới nguồn thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ khác tại các khu di sản này như khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí... còn lớn hơn gấp nhiều lần so với khoản thu từ vé tham quan, đồng thời cũng giải quyết việc làm cho số lượng không nhỏ người dân địa phương.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo các khu di sản để thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu, góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ở đây, tôi cũng phải nêu lên một thực tế, đôi khi, việc phát triển du lịch một cách ồ ạt trong khi chưa đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản văn hóa; kiểm soát chặt chẽ hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Luật di sản văn hóa; triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam...; chỉ đạo các địa phương có Di sản Thế giới, di tích quốc gia đặc biệt lập Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững, trong đó có việc nâng cao trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan ở Trung ương và các địa phương trong công tác bảo vệ gắn với phát huy bền vững các giá trị di sản văn hóa; thường xuyên kiểm tra các di tích, lễ hội để chỉ đạo địa phương xử lý nghiêm các hành vi trục lợi trái phép làm tổn hại tới giá trị di tích…
- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, với những thành tích ấn tượng của du lịch Việt Nam trong thời gian qua, theo Bộ trưởng, những điểm nào cần đặc biệt quan tâm của ngành nếu muốn giữ được tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như việc giữ được sức hấp dẫn, mới mẻ để du khách quay trở lại?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Để giữ được tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như việc giữ được sức hấp dẫn, mới mẻ để du khách quay trở lại Việt Nam, cần có những giải pháp mang tính ngắn hạn và dài hơi.
Trong ngắn hạn (1-2 năm), chúng ta cần nâng cao mức độ ưu tiên cho ngành du lịch về nguồn lực tài chính, cải thiện hiệu quả xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao độ mở cửa điểm đến du lịch Việt Nam.
Về trung hạn (3-5 năm), cần cải thiện hạ tầng dịch vụ du lịch, hạ tầng hàng không, hạ tầng mặt đất và cảng cũng như nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên. Giai đoạn này cũng cần phải phát triển sản phẩm mới, hấp dẫn trên cơ sở khai thác thế mạnh tài nguyên, có hàm lượng giá trị gia tăng và có tính cạnh tranh cao.
Trong dài hạn, cần cải thiện và duy trì sức cạnh tranh của các yếu tố khác như sự bền vững về môi trường mà việc này cần thực hiện ngay trong ngắn hạn và trung hạn nhưng hiệu quả chỉ có thể cần thời gian trong dài hạn, môi trường kinh doanh, an ninh - an toàn, vệ sinh - y tế, nhân lực - thị trường lao động và sức cạnh tranh về giá.
Các nhiệm vụ chính của từng giai đoạn là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng song song vẫn phải thực hiện các giải pháp đồng bộ.
- Phóng viên: Về thể thao, Bộ trưởng mong mỏi điều gì nhất với thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao trong năm tới?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Năm 2018, Thể thao Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên cả lĩnh vực thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục có sự phát triển tốt ở tất cả các đối tượng, địa bàn, đặc biệt là các hoạt động thể dục thể thao ở cộng đồng, trường học, lực lượng vũ trang, công nhân viên chức. Thành tích thể thao tiếp tục được duy trì và có bước tiến bộ.
Để thể thao nước nhà tiếp tục phát triển bền vững, trong năm 2019 sắp tới, ngành thể dục thể thao cần tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về lĩnh vực thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; cần mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, thể dục, thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội và tạo thói quen hoạt động, vận động hợp lý suốt đời; đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, xác định giáo dục thể chất và thể thao trường học phải là nền tảng phát triển thể thao thành tích cao.
Bên cạnh đó, cần nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm, phấn đấu giành thành tích cao tại các kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic, các giải thể khu vực, châu Á và thế giới, trong đó xác định SEA Games 29 là mục tiêu phấn đấu của năm 2019 và cũng là bước đệm chuẩn bị cho kỳ Olympic 32 năm 2020 tại Nhật Bản và SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận cho thể thao nước nhà.
Với những thành công trong năm 2018, khi kỳ vọng của người hâm mộ ngày càng cao, áp lực cho những người làm công tác thể thao và trực tiếp là các vận động viên, huấn luyện viên càng lớn, nhưng tôi tin tưởng và hi vọng với tinh thần đoàn kết, tất cả sẽ biến áp lực thành động lực để giành nhiều thành tích nhanh hơn - cao hơn - xa hơn trong năm 2019.
- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)