PV. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2018 đã mang kết quả đáng kể trên nhiều lĩnh vực, Cục trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả Phong trào trên lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa?
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Có thể khẳng định, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong những năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhất quán, toàn diện, Phong trào đã tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tham gia tích cực có trách nhiệm của cộng đồng và người dân góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Đối với lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả rất quan trọng, như:
Thứ nhất: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa đã được quán triệt sâu sắc. Từ một Phong trào mang tính thời điểm, giai đoạn, Phong trào đã lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội, trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục, có tính bền vững lâu dài. Mục đích, ý nghĩa xây dựng đời sống văn hóa trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa được cụ thể hóa dưới nhiều hình thức phong phú thông qua các hoạt động trong phong trào như: Xây dựng "Người tốt, việc tốt" và các điển hình tiên tiến; Đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", "Tương thân, tương ái", Đoàn kết xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…
Thứ hai: Phong trào đã tạo ra một đợt thi đua rộng khắp, từ gia đình, làng xã đến các cấp, các ngành đều hăng say thi đua lập thành tích hưởng ứng phong trào. Công tác gia đình được chú trọng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. Hương ước, quy ước của làng xã được thực hiện nghiêm túc, xuất hiện những Trưởng họ, Trưởng tộc, Già làng, Trưởng bản đứng ra phát động dòng tộc xây dựng Gia đình văn hóa, Dòng họ văn hóa, Thôn văn hóa, Làng văn hóa, ấp văn hóa, bản văn hóa, Tổ dân phố văn hóa.
Thứ ba: Phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao sức khỏe của người dân; các thiết chế văn hóa trong cả nước đã được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp, bước đầu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Thứ tư: Việc cưới, việc tang đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng tảo hôn, ép hôn nhân đã giảm đáng kể, xuất hiện những mô hình đám cưới tập thể rất văn minh nhất là tại những khu công nghiệp, khu chế xuất. Tình trạng cúng thần, trừ tà, xem bói; khóc thuê, ăn uống linh đình dài ngày trong đám tang, nhất là vùng dân tộc thiểu số đã được hạn chế. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp tạo không khí vui tươi, phấn khởi…
PV: Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa"; "Làng văn hóa"; "Ấp văn hóa"; "Bản văn hóa"; "Tổ dân phố văn hóa" được ban hành sẽ khắc phục mặt hạn chế gì trong thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn tiếp theo?
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Nghị định số 122/2018/NĐ-CP được ban hành tạo cơ sở pháp lý cho việc xét tặng các danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng nguyên tắc, thống nhất, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Khắc phục những hạn chế, bất cập, hình thức dẫn đến không đảm bảo chất lượng của danh hiệu.
Các tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu rõ ràng, khoa học và cụ thể để tránh hiện tượng xét tặng tràn lan và không đúng người, đúng thành tích; góp phần đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa-xã hội của đất nước.
PV. Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã có những định hướng gì để thực hiện hiệu quả Phong trào trong thời gian tới, thưa Cục trưởng?
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Sau Hội nghị Tổng kết Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2018, trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Một là: Xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của Phong trào. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm.
Hai là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về Phong trào gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác. Chú trọng truyền thông và nêu gương các điển hình tiên tiến. Đặc biệt phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên, người lãnh đạo, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong việc tự quản, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ nhân dân với nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người".
Ba là: Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư.
Bốn là: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động của Phong trào; tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo; kịp thời bổ sung những giải pháp đặc thù trong quá trình thực hiện Phong trào phù hợp với thực tiễn vùng, miền.
Năm là: Tăng cường công tác kiểm tra tại địa phương, Trung ương của các Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" theo đúng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xin chân thành cảm ơn Cục trưởng
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)