(TTCNTT) - Đó là một trong các nội dung bổ sung của dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GDĐT đang lấy ý kiến, hạn cuối lấy ý kiến đến ngày 25/11/2018.
Dự thảo Nghị định mới được xây dựng quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Dự thảo lấy ý kiến đóng góp được xây dựng do sau 5 năm thực hiện Nghị định số 138/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và yêu cầu của thực tiễn như: Các quy phạm pháp luật về giáo dục nói chung còn thiếu chế tài, cần được bổ sung trong đó chế tài xử phạt hành chính là một loại chế tài quan trọng. Triển khai thực hiện đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục được giao nhiều quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức hoạt động. Vì vậy, cần bổ sung một số hành vi bị xử phạt hành chính đối với cơ sở giáo dục khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Thêm vào đó, hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục có nhiều quy định mới và có xu hướng phát triển mạnh, cần có chế tài để bảo đảm sự phát triển tích cực. Một số hành vi trái pháp luật đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa có quy định để xử phạt; một số quy định mới được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục chưa có chế tài. Vì vậy, cần bổ sung hành vi vi phạm để có cơ sở pháp lý xử phạt.
Khung tiền phạt của một số hành vi không còn phù hợp, cần sửa đổi để đảm bảo sức răn đe. Và thiếu các biện pháp khắc phục hậu quả mang tính đặc thù của ngành giáo dục.
Đáng chú ý trong Tờ trình Dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và tại Dự thảo Nghị định này, Chương III. Điều 41. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có đề cập đến Thanh tra chuyên ngành VHTTDL. Cụ thể, Phần IV. Mục 3. Một số nội dung mới cơ bản của dự thảo Nghị định; 3.3. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn:
e) Bổ sung 01 Điều quy định về việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho phù hợp với thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của một số lực lượng thanh tra chuyên ngành. Theo đó: … Thanh tra chuyên ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi mua sắm, tiếp nhận sách, giáo trình, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung không phù hợp, xuyên tạc, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Việc xây dựng Nghị định kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành; tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trên toàn quốc. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực giáo dục.
Độc giả, đơn vị, cá nhân quan tâm có thể tham khảo và góp ý Dự thảo Tờ trình Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục tại đây.
(Nguồn: toquoc.vn)