- Xin bà cho biết xuất phát từ thực trạng nào mà Bộ VHTTDL lại đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 110 về quản lý và tổ chức Lễ hội và Nghị định số 111 quy định ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương?
+ Việc tham mưu đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định 110 và Nghị định 111 đã được Bộ VHTTDL chỉ đạo từ năm 2017 và đến năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Căn cứ để đề xuất Chính phủ ban hành hai Nghị định này từ hai phía.
Thứ nhất là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ VHTTDL được Chính phủ giao đó là quản lý về hoạt động lễ hội và quản lý đối với hoạt động ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng… Thời gian qua, các văn bản liên quan tới hai vấn đề này đã có quy định, tuy nhiên lại nằm rải rác ở nhiều văn bản và lại chưa có quy định cụ thể. Đối với hoạt động lễ hội hiện nay thì văn bản mang tính chất hướng dẫn cho các địa phương thì mới dừng ở thông tư của Bộ VHTTDL.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy. Ảnh: Minh Khánh
Ví dụ, với hoạt động quản lý lễ hội thì quy định tại một chương của Nghị định 103 năm 2009 và đối với ngày kỉ niệm, ngày truyền thống đối với các bộ, ngành địa phương thì lại quy định ở tại một chương ở Nghị định 145 năm 2013 và đây là những quy định về mặt nguyên tắc, chưa cụ thể.
Thứ hai là căn cứ tình hình thực tiễn, có thể nói hoạt động lễ hội có liên quan đến hầu hết các địa phương trong cả nước. Như chúng ta đã biết, theo thống kê hiện nay, riêng lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian trên cả nước có gần 8.000 lễ hội, các lễ hội có sự quan tâm tới tất cả các tầng lớp nhân dân, công tác quản lý nhà nước còn nhiều vấn đề bất cập như chúng ta đã thấy. Nhiều địa phương chưa quan tâm tới việc chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với hoạt động này, vì vậy chúng tôi thấy rằng cần phải có các quy định mang tính vừa nhất quán, vừa nguyên tắc, vừa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện các hoạt động quản lý lễ hội trên địa bàn.
Còn đối với hoạt động ngày truyền thống, ngày kỉ niệm thì vì mới chỉ quy định về mặt nguyên tắc nên trong quá trình triển khai thực hiện thì mỗi nơi thực hiện một kiểu, không thống nhất. Có nhiều địa phương thì tổ chức cả trong một năm, cả ngày kỉ niệm cả ngày truyền thống, rồi đặc biệt là tần suất tổ chức thì có nhiều vấn đề bất cập nên gây ra lãng phí và mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động này chưa đạt được. Vì vậy cần phải có một quy định bảo đảm tính thống nhất cho các bộ, ban ngành, địa phương thực hiện thống nhất.
- Một điểm đặc biệt của Nghị định 110 đó là sẽ tạm dừng đối với các lễ hội không đảm bảo những điều kiện quy định, xin bà có thể nói rõ hơn về điều này?
+ Thực tế việc tổ chức lễ hội ở các địa phương đang còn có bất cập. Có nơi tổ chức lễ hội nhưng không đúng với bản chất nguồn gốc của lễ hội truyền thống, đưa vào lễ hội nhiều hoạt động không phù hợp hoặc có những nơi tổ chức lễ hội chưa đảm bảo về mặt an toàn, an ninh như lễ hội chọi trâu tại Hải Phòng làm chết người và nhiều địa phương khác chưa theo quy định do vậy cần có quy định để các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý nhà nước về lễ hội. Trong trường hợp vi phạm các quy định đó sẽ phải dừng tổ chức lễ hội để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Một lễ hội truyền thống. Ảnh minh họa: Minh Khánh
- Nghị định số 111 đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ trong đó có việc quy định rõ về quyền và trách nhiệm của người dân tham gia lễ hội. Xin bà chia sẻ một vài quan điểm xung quanh nội dung này?
+ Nội dung quy định của Nghị định 111 đã vượt hơn các quy định đã từng có trước đây, đó là quy định trách nhiệm và phân cấp quản lý lễ hội rất rõ ràng, phía cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VHTTDL và các bộ ngành khác có trách nhiệm như thế nào, rồi chính quyền địa phương có trách nhiệm như thế nào trong đó quy định đến trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội và người tham gia lễ hội. Ở đây chúng tôi mong muốn hoạt động lễ hội là thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nếu người tham gia lễ hội không có ý thức trách nhiệm trong việc phối hợp với ban tổ chức lễ hội để thực hiện các hoạt động lễ hội một cách đảm bảo an ninh trật tự, văn minh, an toàn, tiết kiệm thì nó sẽ không đảm bảo được sự nhất quán trong công tác tổ chức cũng như không thể tạo ra một lễ hội văn minh lành mạnh và tiết kiệm. Do vậy trong Nghị định đã quy định trách nhiệm tới người tham gia lễ hội, trách nhiệm của họ là phải thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội và phải thực hiện các quy định của ban tổ chức trong việc đảm bảo an ninh trật tự, không xúc phạm tín ngưỡng tâm linh, phải đốt hương đúng nơi quy định và các trách nhiệm khác đối với việc tham gia lễ hội.
- Việc phân loại các lễ kỷ niệm với mức độ, hình thức, yêu cầu tổ chức... rất cụ thể trong Nghị định 111, việc này theo bà có góp phần giúp cho việc tổ chức các lễ kỷ niệm trang trọng, tiết kiệm, tránh được biểu hiện hình thức, lãng phí hay không?
+ Như tôi nói trong phần đầu, nghị định được xây dựng nhằm tạo ra căn cứ pháp lý để các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động ngày kỉ niệm, ngày truyền thống… một cách an toàn, tiết kiệm trang trọng, tránh lãng phí. Với mục tiêu như vậy nên trong các quy định, chúng tôi đã phân loại ra, đặc biệt là tần suất, các loại hình được tổ chức như thế nào.
Đối với các địa phương chúng tôi quy định một cách rất cụ thể về việc tổ chức này, đặc biệt với các bộ, ngành trong việc tổ chức ngày truyền thống, ngày kỉ niệm chỉ được tổ chức lễ kỉ niệm vào những năm tròn và những năm khác chỉ được tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu quảng bá hoạt động đó. Nghị định cũng quy định chặt chẽ về hình thức, trình tự tổ chức và đặc biệt là quy định về số lượng khách mời, trong đó cũng quy định không mở tiệc chiêu đãi, không tặng quà… Những quy định như vậy sẽ tạo căn cứ cho các địa phương thực hiện thắt chặt công tác tổ chức, giảm chi phí cho việc này. Với quy định này và nếu các địa phương nghiêm túc thực hiện chúng ta sẽ đổi mới được căn bản công tác tổ chức lễ kỉ niệm ngày truyền thống, ngày hưởng ứng trong thời gian tới.
- Những năm gần đây, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã được thực hiện ngày một nề nếp hơn. Đây lại là lần đầu tiên, các nghị định về lĩnh vực này được triển khai, bà kỳ vọng công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực trên sẽ thay đổi như thế nào sau khi những Nghị định này có hiệu lực?
+ Lần đầu tiên có một quy định căn bản, mang tính thống nhất chỉ đạo cụ thể để các địa phương thực hiện. Việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quản lý tổ chức lễ hội trên địa bàn mình. Vì vậy chúng tôi hy vọng với sự vào cuộc một cách có trách nhiệm, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội và người tham gia lễ hội trong nghị định, thời gian tới các lễ hội được chấn chỉnh nề nếp hơn, đảm bảo đúng mục tiêu của lễ hội là giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tính nhân văn cho người dân. Thông qua đó, chúng ta sẽ bảo tồn phát huy được những nét đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thông qua các hoạt động lễ hội.
- Ngay sau khi Chính phủ ban hành các nghị định, Bộ VHTTDL đã triển khai các hoạt động nào để đưa các quy định vào đời sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất thưa bà?
+ Ngay sau khi các nghị định được ban hành, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn là Cục Văn hóa cơ sở có kế hoạch phối hợp với các địa phương tuyên truyền về những nội dung cơ bản của nghị định, để mùa lễ hội 2019 tới sẽ áp dụng ngay quy định mới, vì vậy các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp với các địa phương tuyên truyền những quy định này. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với những cơ quan truyền thông để thông tin về những nội dung mới để nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ pháp luật của các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp và người dân trong hoạt động lễ hội. Tới đây, trong kế hoạch công tác của Bộ VHTTDL thì sẽ có một hội nghị tổng kết công tác lễ hội thì nội dung cơ bản của các nghị định sẽ được Bộ quán triệt tới các Sở trên địa bàn cả nước, căn cứ vào đó các địa phương vận dụng và tổ chức thực hiện trên địa bàn của mình trong công tác này.
(Nguồn: toquoc.vn)