SharePoint
Liên kết web
 
 

Nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Thực trạng và giải pháp về hủ tục, mê tín dị đoan trong lễ hội truyền thống hiện nay”

08/08/2018 15:33
(TTCNTT) - Chiều 8/7, Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ đã nghiệm thu và đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ “Thực trạng và giải pháp về hủ tục, mê tín dị đoan trong lễ hội truyền thống hiện nay” do TS. Bùi Quang Hùng - Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam làm chủ nhiệm.

Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ gồm 7 thành viên do TS. Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng đã bầu TS. Võ Quốc Đoàn – Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Ủy viên thư ký Hội đồng.

Tại buổi nghiệm thu, TS. Bùi Quang Hùng chủ nhiệm đề tài đã báo cáo tóm tắt tổ chức triển khai thực hiện, kết quả nghiên cứu Đề tài “Thực trạng và giải pháp về hủ tục, mê tín dị đoan trong lễ hội truyền thống hiện nay”. Theo đó, Đề tài gồm 3 Chương: Chương 1 là cơ sở lý luận và tổng quan để nghiên cứu. Chương 2 là thực trạng lễ hội truyền thống hiện nay – những góc nhìn trái chiều trong việc nhận định về hủ tục mê tín dị đoan trong lễ hội truyền thống hiện nay. Chương 3 là giải pháp quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống hiện nay.

Kết luận Báo cáo Đề tài, TS. Bùi Quang Hùng nhận định, những khái niệm cơ bản liên quan tới hủ tục, mê tín dị đoan trong lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, lễ hội nói chung chưa được diễn đạt một cách khoa học và tường minh. Đây là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng chưa có cách hiểu và ứng xử thống nhất, đồng bộ với các hiện tượng xã hội nêu trên từ nhiều góc độ - nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, cá nhân và cộng đồng thực hành văn hóa… Nên chăng, cần có sự phối hợp nghiên cứu, đồng bộ hóa các khái niệm liên quan để định hướng rõ cho các cộng đồng liên quan và toàn xã hội.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì buổi nghiệm thu.

TS. Bùi Quang Hùng, chủ nhiệm đề tài báo cáo tại buổi nghiệm thu.

Cũng theo TS. Bùi Quang Hùng, khung pháp lý điều chỉnh vấn đề hủ tục, mê tín dị đoan hiện hành ít nhiều vẫn còn những ‘lỗ hổng”, thiếu đồng bộ, cần sớm được điều chỉnh, bổ sung. Bên cạnh đó cần thống nhất về nhận thức, hủ tục và mê tín dị đoan những phạm trù thuộc tồn tại xã hội mang tính khách quan nhưng cương quyết phải loại bỏ hoặc điều chỉnh thích nghi với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa hiện nay để khẳng định mạnh mẽ vai trò định hướng, dẫn dắt của hoạt động quản lý văn hóa. Tuy nhiên, trong các bước tiến hành, cần thận trọng để đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý, sự đồng thuận chung của cộng đồng thực hành và xã hội, cùng hướng tới mục tiêu “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Việc tồn tại các hoạt động mang tính hủ tục, mê tín dị đoan cũng do cán bộ địa phương, ban quản lý lễ hội không sâu sát, không ngăn chặn những việc phản cảm ngay từ đầu, khiến cho những nghi lễ, những trò mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại, thậm hí còn phát triển mạnh mẽ và phát triển thêm nhiều tệ nạn phát sinh khác.

Đặc biệt, những vấn đề đó diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn không được cán bộ quản lý tại địa phương xử lý hoặc tìm biện pháp khắc phục, chỉ đến khi truyền thông báo đài vào cuộc, thì mới xử lý, nhưng trên thực tế, ban quản lý lễ hội không tìm ra được những giải pháp nào mang tính khả thi. Ngay cả khi có Chỉ thị của Bộ VHTTDL vào cuộc mới có sự thay đổi, tuy nhiên, khi triển khai lại gặp rất nhiều khó khăn bởi phương thức giải quyết… Do đó cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của cán bộ văn hóa địa phương, Ban quản lý lễ hội nếu trong lễ hội tại địa phương đó vẫn tồn tại các hoạt động mang tính hủ tục, mê tín dị đoan.

Về công tác phục dựng, hiện nay một số nơi vẫn còn tiếp tục phục dựng lại lễ hội nhằm bảo tồn văn hóa của địa phương, đồng thời muốn thu hút khách du lịch. Vì vậy nhiều địa phương đã không ngần ngại, hoặc cố tình phục dựng những nghi lễ không phù hợp, hoặc cố tình tạo thêm những chi tiết không đúng. Chính vì thế cần có những quy trình kiểm duyệt kịch bản lễ hội trước khi cho phép phục dựng lại những lễ hội cổ xưa, nhất là những lễ hội có nghi lễ hiến tế, hoặc những lễ hội không còn hợp thời, để tránh tình trạng khi đã phục dựng rồi người dân sẽ coi đó là tiêu chuẩn, là truyền thống của mình cần phải lưu giữ và bảo tồn.

PGS. TS Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, thành viên Hội đồng đóng góp ý kiến.

Sau khi nghe TS. Bùi Quang Hùng, thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả thực hiện đề tài. Hội đồng đã nghe nhận xét phản biện và ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Thống nhất với các ý kiến phản biện của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, đây là một vấn đề nóng, nhạy cảm và được quan tâm, chính vì thấy cần thiết nên Bộ mới ra nhiệm vụ này vào năm 2016, để nghiên cứu và giúp cho Bộ có căn cứ khoa học, có thực tiễn để chỉ đạo điều hành công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt đối với những vấn đề nổi cộm trong lễ hội.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, đặc biệt là ý kiến của PGS. TS Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, thành viên Hội đồng. Phải đầu tư công sức vào Đề tài, bám sát vào hồ sơ thuyết minh, ý kiến đóng góp của Hội đồng cấp cơ sở để hoàn thiện lại Đề tài nghiên cứu. Trong đó, chỉnh sửa lại tên các Chương, chắt lọc những số liệu đã khảo sát đưa vào trong nội dung Đề tài nghiên cứu, để tăng tính giá trị nhận định của Đề tài… Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu.

Cảm ơn các phản biện và ý kiến đóng góp của Hội đồng đánh giá nghiệm thu, TS. Bùi Quang Hùng -chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ “Thực trạng và giải pháp về hủ tục, mê tín dị đoan trong lễ hội truyền thống hiện nay” khẳng định sẽ tiếp thu đóng góp một cách cầu thị, để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài.

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây