SharePoint
Liên kết web
 
 

Sao lại nỡ “xoá sổ” thư viện!

30/06/2018 15:06
(TTCNTT) - “Trong bối cảnh hiện nay, thư viện là một môi trường đọc cần phải được quan tâm và không thể sáp nhập với thiết chế khác. Mặt khác, việc sáp nhập một cách cơ học thư viện với các thiết chế văn hóa không cùng chức năng cần được xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng...”. Đó là những kiến nghị được Bộ VHTTDL nhấn mạnh trong báo cáo về giải pháp kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây.

Đây cũng là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, cán bộ thư viện khi tại không ít địa phương, chủ trương sáp nhập thư viện với các thiết chế như Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa đang diễn ra khá phổ biến.

Đau đáu nỗi lo sáp nhập

Không ít “tiền bối” của ngành thư viện đã bày tỏ nỗi trăn trở trước chủ trương sáp nhập thư viện với các thiết chế văn hóa khác hiện đang được thực hiện tại một số địa phương. Văn hóa đọc truyền thống sẽ như thế nào khi chỉ riêng sự chơi vơi, vùng vẫy giữa thời đại số, mạng xã hội lên ngôi cũng đủ là bài toán khó, nay lại thêm cảnh tình vào chung một chốn với bảo tàng, trung tâm văn hóa, ban quản lý di tích?
Theo Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), hệ thống thư viện công cộng đang nỗ lực từng bước đổi mới, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao dân trí, cung cấp thông tin, tri thức của người dân tại địa phương, góp phần xây dựng xã hội học tập và xây dựng nông thôn mới.

Nhiều thư viện tỉnh đã có chủ trương sẽ sáp nhập với các thiết chế văn hóa khác

“Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, triển khai đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” và “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, xây dựng xã hội học tập, thư viện là một môi trường đọc cần phải được quan tâm, không thể sáp nhập với thiết chế khác”, Bộ VHTTDL khẳng định.

Trước thực trạng một số địa phương đang triển khai sáp nhập thư viện với Bảo tàng, Trung tâm văn hóa, BQL di tích, Bộ VHTTDL cho rằng: “Thư viện và Bảo tàng là hai thiết chế văn hóa có chức năng, nhiệm vụ đặc thù không giống nhau. Điều đó đã được quy định tại Luật Di sản văn hóa và Pháp lệnh Thư viện. Thư viện và Trung tâm văn hóa có chức năng, hoạt động quy trình chuyên môn nghiệp vụ hoàn toàn riêng biệt...”.

Trên thực tế, một số tỉnh đã có chủ trương và triển khai sáp nhập thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các cơ sở văn hóa khác. Đơn cử, Tỉnh ủy Long An, Lai Châu, Kon Tum đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch triển khai sáp nhập Thư viện tỉnh với Bảo tàng, BQL di tích tỉnh; Lào Cai sáp nhập Thư viện tỉnh với Trung tâm Văn hóa và triển khai thực hiện trong năm 2018.

Ở cấp huyện, đã tiến hành sáp nhập Thư viện TP. Bắc Kạn về Thư viện tỉnh, các thư viện cấp huyện như Cao Phong, Đà Bắc (Hòa Bình), Thanh Bình, Hồng Ngự (Đồng Tháp) sáp nhập với Trung tâm Văn hóa.
Các thư viện quận Ninh Kiều (Cần Thơ), TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) hay các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Nai, Bình Phước… cũng đã có chủ trương sáp nhập.

Đau đáu nỗi lo sáp nhập, nhiều cán bộ thư viện đã bày tỏ những lo âu, trăn trở và cho rằng, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa là các thiết chế văn hóa có chức năng đặc thù, không thể cơ học tiến hành sáp nhập để giảm đầu mối. Theo ông Phạm Thế Khang (nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam), nếu nhập các thiết chế có chức năng hoàn toàn khác biệt vào làm một đầu mối thì chẳng khác nào “ép duyên không hợp lý”. “Phép cộng cơ học đó sẽ không phát huy được hiệu quả của từng thiết chế mà trái lại dẫn đến sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đó sẽ là một lỗ hổng nguy hiểm vì thiếu đi tính thống nhất về chuyên môn mà mỗi thiết chế đã đảm nhận lâu nay”, ông Phạm Thế Khang khẳng định.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Theo Vụ Thư viện, trong quá khứ đã có một số thư viện sau khi bị sáp nhập đã không còn thực hiện được chức năng, nhiệm vụ, không phát huy được hiệu quả phục vụ nhu cầu khai thác và sử dụng thông tin. Chưa kể đến hiện tượng thất thoát, hư hỏng, mai một khối lượng lớn sách, tài liệu khá phổ biến. Điển hình như hàng chục nghìn tài liệu của Thư viện Y học Việt Nam (Bộ Y tế) bị cất kho không khai thác được, hàng vạn bản tài liệu của Thư viện Uông Bí (Quảng Ninh) bị hư nát phải tiêu hủy.

“Do vậy, việc sáp nhập một cách cơ học các thiết chế văn hóa, thể thao nói chung, đặc biệt thư viện cấp tỉnh với các thiết chế văn hóa nhưng không cùng chức năng cần được xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng”, đây là quan điểm được Bộ VHTTDL khẳng định.

Lo lắng cho sự phát triển... thụt lùi của văn hóa đọc cũng là tâm trạng của không ít cán bộ thư viện. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu bắt buộc thì quá trình sáp nhập cần phải xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng, tránh xóa nhòa hoặc dẫn đến triệt tiêu sự tồn tại của thiết chế thư viện, vốn được coi là một thành tố không thể thiếu trong hệ thống thiết chế văn hóa ở mỗi địa phương, cơ sở. Theo ông Kiều Văn Hốt, nguyên Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, với những đặc thù riêng, việc sáp nhập một cách cơ học như đang diễn ra ở nhiều nơi sẽ khiến cho các thư viện tỉnh dần dần mất đi vị trí là điểm đến quen thuộc của đông đảo độc giả. Vì vậy, tổ chức hoạt động của những thiết chế này cũng sẽ rất khó khăn.
Nhiều nhà chuyên môn cũng trăn trở bởi trên thế giới chưa thấy mô hình nào tiến hành sáp nhập các thiết chế có chức năng, nhiệm vụ khác nhau vào chung một mối. Việc sáp nhập thường được triển khai với những mô hình hoạt động có cùng chức năng, nhiệm vụ. Theo Vụ Thư viện, thực hiện Tuyên ngôn của UNESCO về thư viện công cộng, nhiều nước đã rất quan tâm đến phát triển, duy trì thư viện công cộng như một hoạt động công ích của Nhà nước. Lợi ích về các mặt chí­nh trị - kinh tế - xã hội do thư viện mang lại là vô giá, đầu tư cho thư viện là tiết kiệm và hiệu quả kinh tế nhất trong hoạt động đưa sách báo trực tiếp tới quần chúng nhân dân.

Là địa phương có chủ trương sẽ triển khai sáp nhập Thư viện tỉnh với Trung tâm văn hóa trong năm 2018, Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai cho rằng, việc giữ nguyên tổ chức bộ máy của Thư viện tỉnh sẽ giữ vững được sự ổn định về tổ chức bộ máy, nhân sự, tư tưởng cán bộ của các đơn vị và của cả ngành. “Việc thực hiện sáp nhập sẽ có những bất cập về bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động , do tính chất hoạt động của Thư viện về cơ bản là độc lập, có những đặc thù riêng, có những nhiệm vụ, chức năng riêng biệt”, báo cáo của Sở Lào Cai khẳng định.

Đó cũng là tâm tư của nhiều cán bộ ngành thư viện trong thời gian qua, khi chủ trương và lộ trình sáp nhập đang diễn ra phổ biến ở các địa phương. Cảnh báo cẩn trọng sẽ không thừa bởi việc sáp nhập cơ học nếu thiếu sự xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường. “Thư viện luôn luôn là thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng, là môi trường đọc không thể thiếu ở các địa phương. Vì vậy, thiết chế này cần phải được quan tâm, đầu tư phát triển và không nên sáp nhập với thiết chế văn hóa khác không có cùng tính chất chuyên môn...”, nguyên Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Phạm Thế Khang nhấn mạnh.

Để có cơ sở triển khai việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ VHTTDL khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống thư viện công cộng hiện nay trên các mặt hoạt động, đề xuất cụ thể việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng theo tinh thần và yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đồng thời, yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL trong việc xây dựng chủ trương, kế hoạch kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng của địa phương mình. 

Việc sáp nhập một cách cơ học các thiết chế văn hóa, thể thao nói chung, đặc biệt thư viện cấp tỉnh với các thiết chế văn hóa nhưng không cùng chức năng cần được xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng.

(Nguồn: cinet.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây