SharePoint

Tuyên truyền: Giải pháp hữu hiệu đẩy lùi hạn chế của lễ hội

17/02/2018 14:50
(TTCNTT) - Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được xem là giải pháp hàng đầu để đẩy lùi hạn chế.

Việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Các địa phương đã thành lập Ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội để trực tiếp quản lý các hoạt động trong thời gian lễ hội diễn ra; chủ động xây dựng kế hoạch và chương trình lễ hội để phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Tổ chức; thông qua tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích thực hiện tốt. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Tuyên truyền về lễ hội đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh lành mạnh trong nhân dân, hướng tới việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ... Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền các địa phương đã quan tâm tới công tác cơ sở hạ tầng, mở rộng khu vực đón tiếp, nơi trông giữ phương tiện giao thông, xây dựng công trình vệ sinh công cộng hợp chuẩn, bố trí lực lượng thu gom, công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận ý kiến của nhân dân; vận động nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, hạn chế thắp hương, đốt đồ mã... Cắt cử người thu gom hương, tiền giọt dầu, đồ lễ, rác thải, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn sự trang nghiêm của di tích, lễ hội.

Tuy nhiên, còn một số bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội như ở một số địa phương vẫn tái diễn những hình ảnh chưa đẹp như ném tiền vào kiệu ấn, cướp lộc, thực hiện nhiều nghi thức không có trong lễ hội truyền thống ở một số địa phương. Một số nơi vẫn còn tổ chức Lễ hội chọi trâu, thực hiện những nghi thức không phù hợp, phản cảm...

Trong những năm gần đây, Bộ VHTTDL đã đề nghị nhiều địa phương nghiên cứu, thay đổi cách thức tổ chức đối với những lễ hội có hình ảnh phản cảm như cướp phết, phát ấn, chém lợn, treo trâu.... Năm nay, nhiều lễ hội có hình ảnh chưa đẹp cũng đã đề xuất thay đổi các thức tổ chức. Với một lễ hội đang gây nhiều tranh cãi như chọi trâu, trong khi nhiều địa phương vẫn chưa quyết liệt trong chỉ đạo dừng cấp phép tổ chức. Quan điểm của Bộ VHTTDL đã thể hiện rõ ở các văn bản chỉ đạo về Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Gần đây nhất là văn bản số 5635/BVHTTDL-VHCS gửi các đơn vị thuộc Bộ, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Trong đó, Bộ VHTTDL có yêu cầu các Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41-CT-TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/2/2017 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2018; Chỉ thị 48/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Thông tư số 15/TT- BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về tổ chức lễ hội. Trong đó, có yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội, không để xảy ra các hiện tượng phản cảm như: tranh cướp lộc, mê tín dị đoan, cờ bạc…. Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân ái của dân tộc, không cấp phép tổ chức Lễ hội chọi trâu, Hội Chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống.

Bên cạnh việc tuyên truyền, ngành VHTTDL cũng có chế tài xử phạt trong quản lý, tổ chức lễ hội

Với những lễ hội, Hội Chọi trâu truyền thống, Bộ VHTTDL cũng đề nghị các Sở VHTTDL, Sở VHTT khi tổ chức phải trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa, trọng tâm là các nghi lễ truyền thống tại địa phương, đảm bảo tính trang trọng, đúng với giá trị di sản, ý nghĩa của lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh lành mạnh trong nhân dân, hướng tới việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo những hình ảnh đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Tuyên truyền kết hợp với chế tài xử phạt

 Có thể nói, để đạt được những chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội thì từ nhiều năm qua, Bộ VHTTDL đã đề nghị các địa phương tăng cường tính chủ động, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp tuyên truyền luôn được đặt ra hàng đầu nhằm phần nào hạn chế những hình ảnh chưa đẹp của lễ hội. Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, trong mùa lễ hội 2018, giải pháp tuyên truyền được đặt lên là giải pháp hàng đầu và hiệu quả nhất để đẩy lùi những hạn chế của lễ hội.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, thực tế chứng minh, ở đâu có sự vào cuộc tích cực và kiên quyết của chính quyền địa phương thì ở đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao. Như với Yên Bái, trước năm 2017, cả tỉnh Yên Bái có 8 lễ hội Chọi trâu. Tuy nhiên, từ năm 2017, có chỉ đạo của Bộ VHTTDL, lãnh đạo Sở VHTTDL Yên Bái tích cực vận động nhân dân, giải thích để người dân hiểu và thay đổi cách thức thực hành các lễ hội có tính phản cảm như treo trâu (ở Đông Cuông) và đã có 7 địa phương bỏ tổ chức Chọi trâu trong năm 2017. Trong năm 2018, Yên Bái cam kết sẽ không còn địa phương nào tổ chức Lễ hội Chọi trâu.

Tương tự Chọi trâu, hình ảnh giành giật ở các lễ hội cướp phết cũng khiến dư luận cho rằng còn phản cảm, như Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), cướp phết (Bản Giản, Vĩnh Phúc), hay cướp hoa tre ở hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)....

“Chúng tôi cho rằng, trong mùa lễ hội 2018, cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân tham gia lễ hội, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội. Giải pháp thứ hai là làm tốt công tác phân công, phân cấp quản lý lễ hội. Phải có cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tránh tư tưởng đùn đẩy. Thứ ba là Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, chỉ có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng như công an, y tế... thì mới có thể đảm bảo để lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh. Thứ tư là tăng cường kiểm tra,  giám sát, chỉ đạo từ các cơ quan chức năng, các cấp quản lý; để kịp thời giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bức xúc”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho biết: “Trong công tác tuyên truyền, chúng tôi đánh giá cao vai trò hỗ trợ của báo chí, truyền thông trong việc nêu cái sai, cái chưa đẹp của lễ hội nhưng cũng mong muốn các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí đưa tin một cách khách quan, trung thực, kịp thời, nêu những cái hay, cái đẹp của lễ hội, đặc biệt là khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong thực hiện các lễ hội truyền thống”.

Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp tuyên truyền cần đồng thời thực hiện việc thanh kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm. Trong thời gian qua, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đến các điểm nóng của các lễ hội để rà soát, chấn chỉnh công tác tổ chức. Năm 2017, Thanh tra Bộ thành lập 21 đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố với trên 60 điểm di tích có tổ chức lễ hội. Chúng tôi không chỉ tuyên truyền, vận động mà có chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, thanh tra ngành ở tại các địa phương cũng xử phạt những hoạt động vi phạm như tại Quảng Ninh, xử lý 18 đơn vị vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm, tổng số tiền phạt nộp ngân sách là 43.150.000; thị xã Đông Triều đã xử phạt 04 hộ kinh doanh vi phạm, nộp kho bạc 14.000.000đ, thu giữ 328 đĩa DVD và 07 cuốn sách không tem nhãn.  Tuyên Quang đã xử phạt Ban tổ chức lễ hội chọi trâu xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn) số tiền là 7.500.000đ vì đã vi phạm các quy định về tổ chức lễ hội; tại tỉnh Bình Dương qua quá trình kiểm tra tại lễ hội đã phát hiện và thu hồi 6.500 tờ tử vi và nhiều cuốn sách bói toán...

Hy vọng, qua một loạt các giải pháp đã được Bộ VHTTDL thống nhất triển khai, mùa lễ hội 2018 sẽ diễn ra an toàn, lành mạnh, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân trong năm mới.

 (Nguồn:  bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây