SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ VHTTDL lấy ý kiến góp ý sửa đổi ba Nghị định quan trọng

23/08/2017 15:27
(TTCNTT) - Chiều 22/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác triển khai thực hiện Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (Nghị định 62/2014/NĐ-CP); Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (Nghị định 89/2014/NĐ-CP); Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật (Nghị định 90/2014/NĐ-CP). Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì Hội nghị.

Theo Báo cáo của Vụ Thi đua khen thưởng, Nghị định 62 là văn bản có tính pháp lý và nhân văn sâu sắc, kịp thời ghi nhận và tôn vinh nghệ nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể. Đây là lần đầu tiên các nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị xét tặng tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP rõ ràng, minh bạch, công khai, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.

Trên cơ sở các quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì Hội nghị

Tuy nhiên, Nghị định 62 còn một số nội dung chưa phù hợp như: Về đối tượng xét tặng; thành viên tham gia Hội đồng cấp tỉnh; hồ sơ của Hội đồng cấp tỉnh; hồ sơ cá nhân phải nộp lên cấp tỉnh; về thành viên tham gia Hội đồng các cấp.

Nghị định 89 về Công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được ban hành với các nội dung, quy định rõ ràng, có nhiều quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, sau 8 lần thực hiện, Nghị định 89 bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp thực tiễn được Bộ VHTTDL chỉ ra như: Bản xác nhận Giải thưởng của tập thể để tính quy đổi thành tích cho cá nhân tại một số hồ sơ được thực hiện chưa đúng quy định về thẩm quyền xác nhận hoặc quy đổi chưa đúng thành phần theo quy định; Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp tỉnh: Một số Hội đồng được thành lập chưa theo đúng quy định, thiếu các đại diện có uy tín về chuyên ngành nghệ thuật.

Với Nghị định số 90 quy định việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật, qua thực hiện, nổi lên hai nội dung chưa phù hợp là Quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và Quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp.

Tại Hội nghị, các nghệ sĩ, nhà quản lý đã góp ý kiến về những vấn đề còn tồn tại trong quá trình xét tặng các danh hiệu trên ở cơ sở. Theo đó, những quy định về thời gian được xét phong tặng từ Nghệ sĩ ưu tú lên Nghệ sĩ nhân dân, về sự cần thiết của giá trị “thước đo” công chúng khi phong Nghệ sĩ nhân dân hơn là thành tích huy chương…

Sau Hà Nội, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị này tại TP HCM

Quy định về huy chương đang bộc lộ nhiều bất cập trong xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân. Như với trường hợp Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, gần 20 năm nay, không có cuộc thi, liên hoan cấp quốc gia nào được tổ chức về nhạc giao hưởng, bởi vậy, các nghệ sĩ của Dàn nhạc không được xét danh hiệu, điều này là bất công, thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết: “Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, Nghị định 90/2014/NĐ-CP tại Hà Nội và tới đây sẽ tổ chức tại TP HCM với mong muốn được lắng nghe ý kiến thảo luận, đánh giá của Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ, tỉnh; các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể về công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ có uy tín trong từng lĩnh vực nghệ thuật về công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Trên tinh thần cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến tại Hội nghị và sau đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, Nghệ sĩ Ưu tú” năm 2018, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có ý kiến chỉ đạo để công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, Nghệ sĩ Ưu tú” được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tôn vinh các nghệ nhân có công bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hoá phi vật thể của đất nước; tôn vinh các văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà trong tình hình thực tế hiện nay”.

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây