SharePoint
Liên kết web
 
 

Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia: “Chuyển đổi số thành công phải mang lại giá trị dương…”

26/10/2022 15:37
CĐS- Chuyển đổi số luôn là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó thách thức đầu tiên đến từ sự thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo. Đây là vấn đề được Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Khắc Lịch đưa ra và thảo luận tại cuộc thi Viet Solutions 2022 trên cương vị là thành viên ban giám khảo.

Hai năm đối mặt với đại dịch Covid-19 là giai đoạn mang lại cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam bước vào đường đua chuyển đổi số. Khi các biện pháp giãn cách xã hội được ban hành, thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nền tảng số, kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và truyền thông trực tuyến.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó khi là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc ban hành các chương trình và chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vươn lên bứt phá nhờ sự hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ. 

Dù vậy, thực tế triển khai chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp truyền thống. 

Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia: “Chuyển đổi số thành công phải mang lại giá trị dương…”  - Ảnh 1.
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Khắc Lịch

“Nhận thức của người đứng đầu, của những trong cơ quan tổ chức là điều quan trọng nhất. Nhận thức chuyển đổi số hay là chết, tồn tại hay không tồn tại. Trong những ngành truyền thống, chuyển đổi số mang đến những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo mang tính chất phá hủy, kể cả phá hủy mô hình kinh doanh cũ. Những nhà lãnh đạo phải thật sự nghiêm túc về vấn đề đó, họ mới sẵn sàng đầu tư tiền bạc, nhân lực, và thời gian cho công cuộc chuyển đổi số đi đến kết quả”, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia chia sẻ tại Viet Solutions 2022. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang rơi vào “bẫy chuyển đổi số” khi mới áp dụng một phần công nghệ nhưng đã lầm tưởng bản thân đã hoàn thành lộ trình chuyển đổi. Theo Vinasa, năm 2020 chỉ có chưa đến 10% trong số doanh nghiệp quan tâm, thậm chí ứng dụng chuyển đổi số nhận định rằng đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp. 

“Cái đích cuối cùng của chuyển đổi số là phải đem lại giá trị dương cho doanh nghiệp. Tức là giá trị mang lại trừ đi giá trị đầu tư phải là một giá trị dương, khi đó mới kết luận được chuyển đổi số có thành công hay không”, ông Lịch cho biết thêm. 

Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia: “Chuyển đổi số thành công phải mang lại giá trị dương…”  - Ảnh 2.
Ông Nguyễn Khắc Lịch trên cương vị thành viên ban giám khảo Viet Solutions 2022

Đây cũng là một trong những tiêu chí ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh khi đánh giá các đội thi tại cuộc thi Chuyển đổi số quốc gia Viet Solutions 2022. Góp mặt tại hai vòng Chung kết, ông Nguyễn Khắc Lịch với vai trò thành viên ban giám khảo đồng thời là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước đã mang đến nhiều lời khuyên, tham vấn hữu ích cho các startup trong quá trình số hóa bám sát theo định hướng của Chính phủ. 

Nhằm mục tiêu tạo sự cộng hưởng để kiến tạo xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel đồng tổ chức cuộc thi Viet Solutions với mong muốn kết nối được các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Năm nay, cuộc thi đã thu hút hơn 500 giải pháp đến từ 8 quốc gia, ghi nhận ý tưởng đột phá ở đa lĩnh vực như giáo dục, hàng hải, du lịch, xuất bản,... 

Đặc biệt, các giải pháp phù hợp sẽ được lựa chọn để hợp tác đầu tư với Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Viettel với cam kết chia sẻ lợi nhuận 75% cùng quá trình tư vấn, đồng hành của đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Thành công của Viet Solutions tạo động lực cho nhiều sân chơi khởi nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, đẩy mạnh tinh thần “đổi mới, sáng tạo” của doanh nghiệp hướng đến hoàn thành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

(Nguồn: ttvn.toquoc.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây