SharePoint

Hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam

12/10/2022 09:04
CĐS- Chuyển đổi số ở Việt Nam bắt đầu từ tầm nhìn của doanh nghiệp, chủ trương của chính phủ, trải nghiệm của người dân và đang bước vào giai đoạn tăng tốc.

ừ khóa chuyển đổi số liên tục được nhắc đến thời gian gần đây nhưng con đường chuyển đổi số Việt Nam đã dần được định hình từ vài năm trước. Trải qua các giai đoạn thử nghiệm, ứng dụng vào thực tế, tháo gỡ khó khăn, đến nay chuyển đổi số Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.

Những nền móng đầu tiên

Chuyển đổi số gắn liền với sự phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2019, khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho thấy 40,6% đơn vị tham gia khẳng định đã sẵn sàng nguồn lực và 23,6% đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Tuy nhiên khi đó, cũng có tới 30,7% nói đã tìm hiểu nhưng chưa biết cần phải làm gì, 38% băn khoăn chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu, hay chưa hiểu tin học hóa khác với chuyển đổi số ra sao.

Tháng 6/2020, Thủ tướng phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Kể từ đó, hàng loạt chính sách mới được ban hành và 2020 được xem là năm khởi đầu trên con đường chuyển đổi số quốc gia.

Cùng lúc này, những thay đổi đột ngột do ảnh hưởng của Covid-19 khiến chuyển đổi số trở thành điều kiện sống còn của các doanh nghiệp, tổ chức. Song song với đó, Chính phủ Việt Nam cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, đặt nền móng quan trọng cho giai đoạn tiếp theo trên con đường chuyển đổi số từ chính sách đến hành động.

"Cú huých trăm năm"

Sau giai đoạn khởi động, chuyển đổi số bắt đầu len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, giải quyết những "nỗi đau" của xã hội khi đại dịch hoành hành. Trong Hội nghị giao ban quản lý nhà nước hồi tháng 5/2020, Bộ Trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Covid-19 là cú huých trăm năm để đẩy nhanh chuyển đổi số trên bình diện toàn quốc gia. Việt Nam với lợi thế có nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin mạng, đây là lúc phát huy đưa đất nước bứt phá, thay đổi thứ hạng".


Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10. Ảnh: Lưu Quý

Theo Bộ trưởng, nếu coi 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, thì 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch. Kết quả, chuyển đổi số Việt Nam đã ghi nhận nhiều bước tiến lớn.

Một trong những dấu ấn quan trọng là từ 1/7/2021, Bộ Công an đã xây dựng, triển khai thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào vận hành. Tính đến đầu tháng 10, hệ thống đã cấp hơn 71,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới.

Trong lĩnh vực thanh toán điện tử, sau hơn một năm triển khai thí điểm, tính đến hết tháng 8, tổng số người đăng ký và sử dụng tài khoản Mobile Money đạt gần 2,2 triệu người. Trong đó, số lượng người dùng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đạt hơn 1,5 triệu người, chiếm gần 70%, theo thông tin từ Bộ TT&TT.

Tại hội thảo Tăng tốc chuyển đổi số, diễn ra ngày 9/10 ở Hà Nội, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ TT&TT, cho biết công cuộc chuyển đổi số đã đạt kết quả quan trọng trên cả ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, về Chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã đạt hơn 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 67,8% và tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến là 43,2%. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 10,41%, tăng so với mức 9,6% hồi cuối 2021. Số lượt người dùng hàng tháng trên các nền tảng số di động Việt Nam đã tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2021.

Chặng đường mới

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh quan điểm chuyển đổi số là một hành trình dài. Tại sự kiện Tăng tốc chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: "Trên hành trình chuyển đổi số, có những thứ chúng ta chưa biết, chưa rõ cách làm. Năm 2021, 2022 là năm chúng ta đã cùng nhau trải nghiệm, khám phá, chia sẻ những câu chuyện thành công và cùng nhau tháo gỡ khó khăn".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa, nhận định tại một sự kiện tháng 9: "Năm 2022, khi đã ở vị thế rất khác, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam cũng bước vào giai đoạn khác, đó là giai đoạn tăng tốc".

Trong sự kiện Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những kết quả hiện tại của Việt Nam mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều việc phải làm. Để thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. "Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực và là nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển", Thủ tướng nói.

(Nguồn: vnexpress.net)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây