SharePoint
Liên kết web
 
 

Thủ tướng: Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ

13/01/2025 16:48
CĐS- Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hình thành hệ sinh thái cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.

Sáng 13/1, diễn ra Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội tới 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham dự của hơn 978.500 đại biểu tham dự Hội nghị.

Thủ tướng: Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ - Ảnh 1.Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội có Tổng Bí thư Tô Lâm, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Trường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng;…

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Dương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị tại điểm cầu Long An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng: Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ - Ảnh 2.

Thủ tướng: Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ - Ảnh 3.Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL.

Dự Hội nghị về phía Bộ VHTTDL có Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thủy; Tạ Quang Đông; Hồ An Phong. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ VHTTDL dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ VHTTDL.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Nội dung cụ thể của Chương trình hành động đã được ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung trình bày 4 nội dung chủ yếu: (1) Bối cảnh tình hình; (2) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; (3) Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình hành động; (4) Tổ chức thực hiện.

Thủ tướng: Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ - Ảnh 4.Thủ tướng khẳng định Nghị quyết số 57-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng
của đất nước trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS

Thủ tướng cho biết, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhất là 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS), gồm 13 nhiệm vụ cụ thể.

Nhóm thứ hai là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (28 nhiệm vụ cụ thể).

Nhóm thứ ba là tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS (34 nhiệm vụ cụ thể).

Nhóm thứ tư là phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (12 nhiệm vụ cụ thể).

Nhóm thứ năm là đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh (27 nhiệm vụ).

Nhóm thứ sáu là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp (16 nhiệm vụ cụ thể).

Trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhận thức rõ vai trò then chốt này, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách "mở đường" cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tiếp cận và làm chủ công nghệ số, ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh; các doanh nghiệp lớn phải đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong. Các chính sách này sẽ thổi luồng sinh khí mới, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp tự tin chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu; xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước; thúc đẩy phát triển một số khu công nghiệp công nghệ số và công nghiệp công nghệ thông tin tập trung; đẩy mạnh thu hút các dự án FDI cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp về KHCN, ĐMST và CĐS. Hình thành hệ sinh thái cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh, gắn với thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.

Thủ tướng: Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ - Ảnh 5.Thủ tướng cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.

Nhóm thứ bảy là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (9 nhiệm vụ). Hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ tiên tiến. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chiến lược hợp tác quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế.

Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai ngoại giao kinh tế gắn với thu hút đầu tư KHCN, ĐMST và CĐS (gọi tắt là "ngoại giao công nghệ"). Xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, đóng góp vào việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong KHCN, ĐMST và CĐS, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử, vũ trụ và các công nghệ chiến lược khác để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ số phù hợp nhu cầu trong nước và thế giới.

Xuân Trường - Ảnh: Nhật Bắc - Việt Hùng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây