Vừa được ra mắt tháng 6/2022, nền tảng số Google Arts & Culture là “cửa sổ” đưa các giá trị văn hóa, du lịch nổi trội của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng đến với thế giới. Đây được xem là một “bảo tàng số” của nhân loại nhằm lưu giữ và giới thiệu những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của các quốc gia trên thế giới. Chỉ cần một cú nhấp chuột ở phần “Near by” (Công trình văn hóa ở gần xung quanh người dùng) trên Google Arts & Culture, hình ảnh của Bảo tàng Quảng Ninh, vị trí và website của Bảo tàng Quảng Ninh đã hiện lên. Đây là một trong những ứng dụng rất tiện ích, không chỉ đối với du khách mà còn là một kênh quảng bá sản phẩm du lịch Quảng Ninh một cách miễn phí.
Thực tế, trong thời gian qua, ngành du lịch Quảng Ninh đã có những bước đi đúng hướng trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, TikTok...
Từ năm 2016, Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Ninh đưa vào hoạt động fanpage Thông Tin Du Lịch Quảng Ninh, đến nay, đã có trên 30.000 người theo dõi thông tin. Trung tâm cũng lập fanpage bằng tiếng Anh, tiếng Pháp nhằm liên tục cập nhật các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút du khách đến với Quảng Ninh. Cùng với đó, Trung tâm duy trì hoạt động thường xuyên việc đăng tải thông tin về du lịch Quảng Ninh tới du khách trên các website, Youtube, Instagram, Zalo... Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã biên tập 60 bài bằng tiếng Việt và tiếng Anh để đưa lên website, thu hút gần 21.000 lượt truy cập; đăng 54 bài bằng tiếng Việt, Anh, Pháp trên fanpage facebook, tiếp cận hơn 25.000 lượt truy cập.
Du khách quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long.
Ông Phan Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Ninh cho biết: Hiện công tác tuyên truyền các sự kiện, chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 được cập nhật liên tục trên các website và mạng xã hội do trung tâm quản lý, vận hành. Bên cạnh việc cập nhật thông tin trên mạng xã hội facebook, đơn vị còn cung cấp và hỗ trợ thông tin du lịch trực tiếp qua tổng đài, website điện tử, email, mạng xã hội SNS (mạng xã hội phổ biến ở Hàn Quốc). Cùng với đó, Trung tâm cũng tích cực mời và làm việc với doanh nghiệp gửi thông tin bài viết hỗ trợ quảng bá miễn phí trên website và fanpage.
Thực tế, rất nhiều du khách thích thú trước vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh Quảng Ninh khi tìm kiếm trên Youtube hay mạng xã hội, từ đó quyết định đến để tham quan, chiêm ngưỡng. Ông Kevin Keane (du khách Mỹ), chia sẻ: Thông qua các trang mạng xã hội và những video trên Youtube, chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long. Đây là chuyến du lịch quốc tế đầu tiên sau hơn 2 năm dịch bệnh. Kế hoạch đã được lên từ nhiều tháng trước đó và được thực hiện ngay sau khi Hạ Long, Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế. Tôi đã đi du lịch nhiều nơi, nhưng Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến ấn tượng nhất, dịch vụ, con người, thiên nhiên đều tuyệt vời.
Với sự phát triển của internet, các thiết bị điện tử thông minh, hầu hết các doanh nghiệp du lịch và địa phương trên địa bàn Quảng Ninh đều ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, tuyên truyền tiềm năng, lợi thế và thành quả phát triển du lịch của địa phương, đơn vị, qua đó tạo ra một kênh tham khảo, giúp đưa hình ảnh du lịch Quảng Ninh đi xa hơn và đến gần hơn với du khách.
Tiêu biểu như trang fanpage Du lịch Bình Liêu chuyên hỗ trợ thông tin cho du khách, đăng tải các hình ảnh đẹp, câu chuyện, thông tin về du lịch Bình Liêu. Với việc đầu tư về hình ảnh, thông tin cập nhật mới mẻ, chính xác, tần suất đăng bài liên tục đã thu hút lượng lớn người dân và du khách quan tâm, tương tác. Đến thời điểm hiện tại có hơn 11.630 người thích trang, và gần 12.200 người theo dõi trên mạng xã hội.
Chị Triệu Thị Hoàng Nga, nhân viên Văn phòng Du lịch Bình Liêu, chia sẻ: Chúng tôi liên tục đăng tải hình ảnh của du lịch Bình Liêu với những nét đặc trưng vùng miền, thiên nhiên, văn hóa, con người... Bên cạnh đó, cũng cần nắm bắt xu hướng quan tâm của du khách, nhất là những người trẻ để thu hút đông lượt xem và tương tác. Nhờ quảng bá trên các trang mạng xã hội mà thời gian gần đây, du lịch Bình Liêu liên tục được quan tâm, thu hút du khách cả 4 mùa trong năm.
Bên cạnh việc sử dụng website và fanpage của đơn vị, những ứng dụng website đặt chỗ trên mạng như: Booking.com, agoda.com, tripadvisor.com.vn... cũng được các doanh nghiệp sử dụng để quảng bá, cung ứng dịch vụ đến với khách hàng ngay sau khi mở cửa đón du khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã sử dụng fanpage của mình với ứng dụng trả lời tự động để tương tác với khách hàng nhanh hơn.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia du lịch, hiện nay có hơn 40 triệu người đang sử dụng facebook để cập nhật thông tin và tìm kiếm thông tin về các dịch vụ du lịch ngoài Google và con số này ngày càng tăng. Độ tuổi dùng facebook cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu từ 16 đến 35 tuổi. Như vậy, với số lượng người dùng khổng lồ và phát triển thì việc quảng bá hình ảnh, dịch vụ sản phẩm đến được đúng đối tượng tiềm năng không khó. Lượng người dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin về các tour du lịch lên tới 75% và dùng nó truy cập mạng xã hội là con số vô cùng lớn.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, trong năm nay, Sở sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách, tạo môi trường du lịch an toàn tối đa. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, sử dụng các tiện ích phục vụ tốt hơn đối với người dân và du khách. Cùng với đó, tăng cường quảng bá du lịch qua các trang mạng xã hội, tiếp nhận thông tin phản hồi của du khách. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ du lịch thông minh như: Thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... vào phục vụ du khách. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D...
(Nguồn:bvhttdl.gov.vn)