SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đứng Top 5 bộ, ngành ứng dụng CNTT tốt nhất

30/08/2018 09:39
(TTCNTT) - Ngày 29/8, tại tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra lễ công bố Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Việt Nam ICT Index 2018).

Tại lễ công bố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp thứ 5 về chỉ số Việt Nam ICT Index trong khối các bộ ngành năm 2018, sau Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Thông tin, truyền thông.

Chỉ số này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng thêm 01 hạng so với năm ngoái, giữ vững là một trong những bộ ngành luôn đạt ở vị trí đứng đầu trong 3 năm vừa qua (năm 2016 xếp thứ 4, 2017 xếp thứ 6)

Với các chỉ số: hạ tầng kỹ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có điểm số 0,6431; chỉ số hạ tầng nhân lực là 0,7835 và 0,6415 là điểm số cho chỉ số ứng dụng CNTT.

 Ảnh minh họa: Thời báo Tài chính Việt Nam

Lễ công bố này nằm trong khuôn khổ hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam lần thứ 22 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức từ ngày 28 đến 30/8/2018.

Trong bảng xếp hạng này, đứng ở 4 vị trí cuối cùng là Bộ Tư pháp (đứng thứ 16), Bộ Giao thông, vận tải (đứng thứ 17), Bộ Tài nguyên và môi trường (đứng thứ 18) và Thanh tra Chính phủ (xếp thứ 19).

Để có được kết quả trên có sự quan tâm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và các lãnh đạo Bộ, cùng với đó là sự vào cuộc tích cực, tham gia của các Tổng cục, Cục, Vụ, các đơn vị… thuộc Bộ đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công việc.

Về thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về ứng dụng CNTT, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành 100% các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: Kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ (bảo đảm thống nhất sử dụng sổ đăng ký công văn đi- đến trên trục liên thông, ứng dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng Chính phủ); Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, duy trì cung cấp 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 từ năm 2016, năm 2017 đã đưa vào sử dụng 17 dịch vụ công trực tuyến (Trong đó có 16 dịch vụ mức độ 3 và 01 mức độ 4), hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao và hoàn thành vượt kế hoạch thêm 04 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Phối hợp hoàn thành kết nối liên  thông, duy trì tích hợp với Cổng dịch công quốc gia trong giai đoạn thử nghiệm từ tháng 7/2016, đáp ứng yêu cầu về Chính phủ điện tử.

Đối với nhiệm vụ “Xây dựng và hướng dẫn triển khai Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm CNTT là đầu mối triển khai và đang thực hiện theo hướng dẫn của Cục Tin học hóa; Thực hiện tốt và đúng thời hạn các cuộc kiểm tra, đánh giá và báo cáo hàng năm, đột xuất tình hình ứng dụng CNTT theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng đó, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước của Bộ cũng như các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đảm bảo đến hết năm 2018, hệ thống sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đúng số lượng và thời hạn; Quán triệt 100% các đơn vị ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Bộ.

Được biết, đây là năm thứ 13, Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông Việt Nam - Vietnam ICT Index được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam thực hiện.

Báo cáo cung cấp các thông tin về thực trạng phát triển và ứng dụng ICT, đồng thời đưa ra những đánh giá, xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng ICT dưa trên cơ sở số liệu thu thập được từ các khối: Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và Ngân hàng thương mại.

Báo cáo cũng tiếp tục giúp các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp hiểu rõ được hiện trạng phát triển và ứng dụng ICT của cơ quan, ngành mình để từ đó đưa ra giải pháp, định hướng phù hợp nhằm cải thiện việc phát triển và ứng dụng ICT, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển, ứng dụng ICT của cả nước nói chung và xây dựng Chính phủ điện tử thành công tại Việt Nam nói riêng./.

(Nguồn: http://toquoc.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây