Đây là lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN cùng nhau chia sẻ, thảo luận về chủ đề Chuyển đổi số trong truyền thông.
Hội thảo nhằm mục đích tạo ra một nền tảng trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi kỹ thuật số trong truyền thông. Đây sẽ là nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo gồm 02 phiên chính và 01 phiên thảo luận mở về các biện pháp để các nước ASEAN chung tay thúc đẩy ngành công nghiệp nghe - nhìn trong thời đại số.
Phiên thứ nhất có chủ đề "Chính sách quản lý và thúc đẩy chuyển đổi số báo chí và truyền thông" với các bài trình bày chia sẻ từ cơ quan quản lý của các nước ASEAN về: Chính sách, giải pháp của Nhà nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông của mỗi nước; Phát triển và thúc đẩy nền tảng số cho báo chí, truyền thông; Quan điểm và chia sẻ câu chuyện về bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số...
Phiên thứ hai giới thiệu cách làm hay, mô hình thành công của chuyển đổi số báo chí, truyền thông - kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí Việt Nam và các nước ASEAN. Cụ thể: Cách làm hay, kinh nghiệm chuyển đổi số từ các cơ quan báo chí truyền thông khu vực ASEAN; Trang bị kỹ năng số nâng cao trình độ cho biên tập viên, phóng viên báo chí, truyền thông; Ứng dụng công nghệ hiện đại, nền tảng số hiệu quả để hỗ trợ sản xuất và quản trị nội dung; Chia sẻ về thu thập dữ liệu và doanh thu từ dữ liệu; Chiến lược phát triển và bảo vệ nội dung trong chuyển đổi số…
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Theo bà Mahavaw đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, chuyển đổi số của truyền thông là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong việc thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông. Chuyển đổi số, phát triển công nghệ sẽ giúp đảm bảo sân chơi công bằng, tạo hệ sinh thái truyền thông lành mạnh để hỗ trợ cho báo chí trước các nền tảng xuyên biên giới.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar cho biết, quá trình chuyển đổi số của nước này đang diễn ra nhanh và có một kế hoạch phát triển cụ thể đến năm 2025, trong đó có chỉ số phát triển điện tử ngành thông tin và truyền thông. "Trong năm 2023, chúng tôi đã có những chuyển đổi số mạnh mẽ từ truyền thống, sang truyền thông số, trực tuyến như phát triển công nghệ in ấn, truyền hình, giải trí và Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò lớn trong quản lý. Đồng thời các cơ quan truyền thông của quốc gia sẽ là cầu nối giữa chính quyền với người dân", đại diện Myanmar cho biết.
Đại diện Bộ TT&TT Campuchia chia sẻ, chuyển đổi số là thay đổi tư duy để làm cuộc sống tiện ích hơn. Campuchia đã thực hiện giám sát nội dung các kênh truyền hình, mạng liên lạc, tích cực xây dựng nền tảng số về truyền hình và phát thanh trên toàn quốc, tiến tới loại bỏ các nền tảng truyền hình truyền thống vào năm 2025. Campuchia mong muốn tăng cường hợp tác công-tư, thu hút sự đầu tư khu vực tư nhân để thúc đẩy chuyển đổi số mạng lưới truyền hình. Xây dựng nền tảng thống nhất cho truyền thông quốc gia, áp dụng các phương thức truyền tải hiện đại như 5G vào phát thanh, truyền hình.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, báo chí và phát thanh, truyền hình là lĩnh vực đang phải chịu tác động nặng nề của sự bùng nổ công nghệ số bởi các hoạt động truyền thông truyền thống đang dần bị mất đi thị phần và doanh thu vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Do đó, chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu. Việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết.
Chuyển đổi số của truyền thông là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong việc thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông. Chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin.
Hội thảo này nhằm mục đích cung cấp một nền tảng mở để chia sẻ kinh nghiệm, tiến bộ chính sách và các phương pháp hay nhất
của chúng tôi về chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực truyền thông. Nó đặt nền tảng cho các cuộc thảo luận
đang diễn ra và đề xuất các sáng kiến và ưu tiên cho sự hợp tác trong tương lai.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
"Trong kỷ nguyên mới này, vai trò và sứ mệnh của truyền thông vượt ra ngoài việc phổ biến thông tin đơn thuần. Đó là việc khai thác thông tin như một động lực phát triển, chuyển đổi từ thông tin sang kiến thức và từ đó tăng thêm giá trị cho xã hội, đồng thời xây dựng một ASEAN kiên cường và chủ động thích ứng. Hành động và khả năng thích ứng của chúng ta sẽ định hình những năm tới, không chỉ ảnh hưởng đến bối cảnh truyền thông mà còn đến sự phát triển của các quốc gia và sinh kế của người dân", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Đ.Hoàng