SharePoint
Liên kết web
 
 

Những yêu cầu đặt ra trong chuyển đổi số ngành Tư pháp

20/03/2023 10:09
CĐS - Ngày 20/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp Liên hợp quốc tại Việt Nam, Liên minh châu Âu tổ chức Diễn đàn pháp luật thường niên với chủ đề: Chuyển đổi số trong ngành

Các nội dung được thảo luận tại diễn đàn tập trung vào cách thức Chuyển đổi số có thể góp phần tăng cường tính nhất quán của hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức về các quyền hợp pháp và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tư pháp của các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Chuyển đổi số là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong những năm qua, trước yêu cầu và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp. Trong bối cảnh đó, Bộ, ngành tư pháp cũng xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, ngành tư pháp và nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành tư pháp.

Bộ Tư pháp đã ban hành các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện các chính sách, chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, Cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp thường xuyên được hoàn thiện, đầu tư nâng cấp. Cho đến nay, toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp đã được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, các dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp như đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng được 63 địa phương trên cả nước cung cấp qua cổng dịch vụ công. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc từng bước hình thành.

Những kết quả trên đã góp phần làm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các quyền, giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, chuyển đổi số là vấn đề còn mới đối với nhiều cơ quan, tổ chức và người dân. Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành tư pháp vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ chưa đáp ứng tốt được yêu cầu phát triển của Chính phủ điện tử, yêu cầu chuyển đổi số của ngành tư pháp; nguồn nhân lực duy trì, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin và khắc phục sự cố còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu…

Tại diễn đàn, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu cho rằng: “Cách tiếp cận của EU là sử dụng tốt hơn các công nghệ kỹ thuật số, hoàn toàn tôn trọng các quyền cơ bản. Tiếp cận công lý cần phải bắt kịp với sự phát triển của xã hội, bao gồm cả quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Và cần có những nỗ lực phối hợp để hưởng lợi đầy đủ từ các công nghệ kỹ thuật số trong thủ tục tố tụng tư pháp, bao gồm cả hợp tác tư pháp xuyên biên giới”.

Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng chuyển đổi số có thể góp phần đạt được các mục tiêu xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại và chuyên nghiệp, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người. Những sáng kiến tư pháp điện tử được thiết kế tốt có thể giúp tăng cường tiếp cận công lý một cách hiệu quả cho người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương”.

Diễn đàn pháp luật thường niên là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật, được tổ chức nhằm cập nhật và chia sẻ thông tin về những thành tựu, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ ưu tiên của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp, cải cách pháp luật hiện nay, từ đó tạo tiền đề, cơ sở cho việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác, mở ra các cơ hội hợp tác mới về các lĩnh vực, nội dung trao đổi tại Diễn đàn. Diễn đàn thường niên này được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”.

(Nguồn: nhandan.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây