SharePoint
Liên kết web
 
 

Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức

04/03/2023 11:04
(CĐS) - Ngày 3/3, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã tổ chức đối thoại chính sách với chủ đề "Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức".

Sự kiện được tổ chức với mục đích hưởng ứng chủ đề toàn cầu của ngày Quốc tế Phụ nữ "DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới", nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong đổi mới, công nghệ và giáo dục kỹ thuật số, đồng thời xác định những tác động của chuyển đổi số đối với những nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội.

Vẫn còn khoảng cách về giới trong chuyển đổi số

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định: "Việc nhận rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyền đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này. Do đó, việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học được xem là chìa khóa để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số. Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau."

Quang cảnh buổi đối thoại

Tại Việt Nam, với "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020 (Quyết định số 749/QĐ-TTg), đổi mới và công nghệ đã trở thành một ưu tiên của Chính phủ và các bộ, ngành trong những năm gần đây.

Việc đổi mới và công nghệ vẫn thường được coi là lĩnh vực mà nam giới có ưu thế. Những năm gần đây, phụ nữ đang từng bước tạo dựng những lợi thế nhất định trong công nghệ, với cơ hội việc làm rộng mở. Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%).

Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.

Có nhiều lý do dẫn đến việc tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Hiện nay, ở Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi, riêng biệt dành cho cán bộ nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ. Đồng thời, quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách chưa tính đến đặc thù, những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt, việc quy định phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm cũng là yếu tố tác động tới quá trình nghiên cứu khoa học của phụ nữ. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều định kiến, nhận thức xã hội và quan niệm truyền thống, việc coi vai trò của phụ nữ chỉ gắn với những công việc gia đình và chăm sóc con cái".

Đồng quan điểm trên, bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam chia sẻ: "Việt Nam là một quốc gia kỹ thuật số, ổn định và thịnh vượng, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, sự đại diện thấp của phụ nữ trong ngành khoa học và công nghệ ở đây vẫn bị hạn chế do các khuôn mẫu và một chu kỳ định kiến".

Cần phải thu hẹp khoảng cách về giới trong chuyển đổi số

Trong buổi đối thoại, các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam và vai trò của phụ nữ trong trong kỷ nguyên số ở các lĩnh vực khác nhau, cũng như đề xuất các giải pháp để thu hẹp những khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và thị trường lao động liên quan tới đổi mới, công nghệ và kỹ thuật số.

Triển lãm tại buổi đối thoại

Theo bà Pauline Tamaris, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng ta cần xem xét lại các tác động về giới trong đổi mới và công nghệ, đồng thời xác định các khuyến nghị để quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở Việt Nam bao trùm và bình đẳng hơn. Trong bối cảnh đó, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đưa ra một số đề xuất như: Cần đảm bảo quan điểm giới trong các chính sách quốc gia về kỹ thuật và phân bổ nguồn lực để thực hiện đầy đủ; Tăng cường giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái; Dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong tương lai; Tăng cường thu thập dữ liệu và giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến".

Để thu hẹp khoảng cách giới trong việc tiếp cận kỹ thuật số và kỹ năng số, bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam chia sẻ : "Chúng ta cần phải tăng cường và thúc đẩy giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái trong suốt cuộc đời ở tất cả các cấp; Lồng ghép các quan điểm về giới trong chính sách số quốc gia; Đẩy mạnh thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn các khía cạnh đầy đủ về giới, đổi mới và công nghệ, đồng thời giải quyết bạo lực trên cơ sở giới; Dự đoán và dự báo nhu cầu công nghệ và kỹ năng trong tương lai giảm để giảm thiểu các tác động bất lợi, mang yếu tố giới của số hóa và tự động hoá. Cuối cùng, đưa nội dung phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến vào khung pháo luật chính sách của Việt Nam để đảm bảo trẻ em và phụ nữ không có nguy cơ rơi vào tình cảnh bạo lực trên môi trường mạng".

Với mong muốn tình trạng phụ nữ thua thiệt hơn nam giới về cơ hội phát triển được giải quyết triệt để, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần phải tăng cường nhận thức xã hội trước hết là về vai trò của phụ nữ nói chung, của đội ngũ cán bộ khoa học nữ nói riêng. Xây dựng và hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện cho sự phát triển và đóng góp của cán bộ khoa học nữ như điều chỉnh quy định gia tăng độ tuổi với nữ khi tuyển dụng, hỗ trợ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, có cơ cấu giải thưởng vinh danh, khen thưởng dành cho cán bộ khoa học nữ… Ngoài ra, cần phải tăng cường đầu tư giáo dục – đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ khoa học nữ.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ buổi đối thoại, vấn đề bảo vệ sự an toàn của phụ nữ và trẻ em trước các hình thức bạo lực trên môi trường mạng cũng được các đại biểu thảo luận trong sự kiện./.

 (Nguồn: Toquoc.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây