CĐS- Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa, đánh giá Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ.
"Năm 2022, khi Việt Nam đã ở vị thế rất khác, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam cũng đang bước vào một giai đoạn khác, đó là giai đoạn tăng tốc", ông Khoa nói tại lễ trao giải top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2022, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức sáng 10/9.
Theo ông Khoa, về mặt kinh tế, Việt Nam được các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng ở mức cao và liên tục tăng. Ví dụ Moody’s Analytics điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay lên 8,5%, là mức cao tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. World Bank cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7,5% trong năm 2022, cao hơn 2% so với mức dự báo 5,5% đầu năm 2022. Đồng thời, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Ông Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại lễ trao giải top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2022 sáng 10/9.
Ngoài ra, để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như dự báo, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, Chủ tịch Vinasa đánh giá chuyển đổi số toàn diện quốc gia sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
"Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang gánh vác sứ mệnh tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, trở thành đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Chúng ta cùng tăng tốc, tạo ra một cộng đồng công nghệ thông tin mạnh, sẵn sàng cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới", ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam có 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 9 triệu hộ nông dân và 26 triệu hộ gia đình. "Tất cả đều đang đứng trước cuộc chuyển dịch lên môi trường số", ông Dũng nói.
Chia sẻ với các doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số "hãy bắt tay vào giải quyết các bài toán của Việt Nam bằng công nghệ số, bằng các mô hình vận hành đột phá, rồi từ Việt Nam đi ra thế giới".
Đồng tình với quan điểm này, ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch Rikkeisoft cho rằng: "Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần dấn thân, nhận những trách nhiệm lớn, giải những bài toán khó và chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của đất nước để nâng tầm giá trị Việt trên thế giới".
Rikkeisoft được đánh giá là đại diện cho thế hệ doanh nghiệp công nghệ số trẻ dám dấn thân. Sau 10 năm thành lập, từ 5 thành viên sáng lập, công ty hiện có 1.500 nhân sự. Theo ông Tùng, các doanh nghiệp công nghệ Việt cần Mơ lớn - tức dám nghĩ dám làm để tự tin vươn ra thế giới; Hiệp lực - tức cùng nhau chia sẻ, kết nối để tạo nên và lan tỏa thương hiệu CNTT Việt; và Đóng góp cho xã hội, cụ thể là xây dựng các chương trình thúc đẩy nhân tài Việt vươn tầm thế giới, chung tay cho các chương trình của xã hội.
Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam là giải thưởng được tổ chức lần đầu năm 2014, nhằm tìm ra những doanh nghiệp tiêu biểu nhất trong các lĩnh vực trọng điểm của ngành CNTT. Năm nay, cuộc thi được phát động từ tháng 4, thu hút 147 đề cử trong 20 lĩnh vực từ 92 doanh nghiệp. Theo Vinasa, tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp được vinh danh top 10 năm nay đạt 162.333 tỷ đồng (7 tỷ USD), chiếm 51% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với tổng số nhân sự 175.601 người.
Năm nay, chương trình có thêm danh sách "Doanh nghiệp CNTT nghìn tỷ", là những doanh nghiệp CNTT có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Nhóm này được kỳ vọng sẽ giải các bài toán lớn cho quốc gia, định hướng dẫn dắt sự phát triển của ngành và hỗ trợ dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số cùng phát triển, thúc đẩy startup công nghệ. Trong số đó, FPT và ba công ty thành viên gồm FPT Software, FPT IS, FPT Telecom đứng ở các vị trí hàng đầu. Công ty cũng được vinh danh Top 10 trong 8 lĩnh vực.
(Nguồn: vnexpress.net)