CĐS- Danh sách các nền tảng số quốc gia sử dụng trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2022 và những năm tiếp theo được chia làm 3 nhóm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Cụ thể, trong danh sách các nền tảng số tập trung thúc đẩy sử dụng tại tỉnh Bến Tre, có 16 nền tảng chính quyền số: Nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu cấp tỉnh; nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp tỉnh; nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng; nền tảng quản trị tổng thể cấp tỉnh; nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; nền tảng hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành; nền tảng hệ thống thư điện tử công vụ; nền tảng bản đồ số; nền tảng trợ lý ảo; nền tảng học trực tuyến mở đại trà; nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; nền tảng CSDL về đất đai; nền tảng CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; nền tảng CSDL quốc gia về bảo hiểm; nền tảng hóa đơn điện tử.
Các nền tảng kinh tế số gồm có nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp; nền tảng tài chính, kế toán, hóa đơn và chữ ký điện tử; nền tảng thanh toán điện tử; nền tảng hợp đồng điện tử và nền tảng thương mại điện tử.
Về xã hội số có 4 nền tảng gồm: trình duyệt và công cụ tìm kiếm, mua sắm, giao hàng, tin tức.
|
Nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính là 1 trong 25 nền tảng số được tập trung thúc đẩy sử dụng
trên địa bàn Bến Tre. (Ảnh minh họa: Sở TT&TT Bến Tre) |
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào danh sách nêu trên để tuyên truyền, triển khai sử dụng hiệu quả các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, gắn liền với bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Sở TT&TT tỉnh Bến Tre được giao theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng nền tảng số và định kỳ hàng quý tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.
Để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, hồi trung tuần tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền và kế hoạch hàng năm.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT xác định rõ định hướng xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam.
Tại phiên họp thứ ba của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số diễn ra ngày 8/8, đại diện Bộ TT&TT cho biết, 35/35 nền tảng số quốc gia đã phát triển xong, được công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng số đã sử dụng chính thức, 4 nền tảng đang thử nghiệm.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số.
63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; 9/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố.
Bộ TT&TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đưa nhiệm vụ lựa chọn, công bố các nền tảng số để giải quyết bài toán của bộ, tỉnh mình vào nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số để theo dõi, đôn đốc thực hiện.
(Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn)