SharePoint
Liên kết web
 
 

Muốn chuyển đổi số trước hết phải là công dân số, thích ứng với văn hóa số

27/05/2022 10:30
CĐS - Tiến sĩ Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, muốn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho thanh niên trước hết phải trở thành công dân số, thích ứng với văn hóa số

Sáng ngày 18/5, tại Đại học Ngân hàng TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học "Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên". Hội thảo do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cùng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cùng Cục công tác phía Nam - Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đồng tổ chức.

Hội thảo với sự tham gia trình bày tham luận của những chuyên gia về lĩnh vực định hướng phát triển chuyển đổi số, phát triển trong tương lai và lập kế hoạch hợp tác nghiên cứu như: TS. Nguyễn Việt Dũng, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM; TS. Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM; TS. Phạm Xuân Kiên - Trưởng ngành Hệ thống thông tin, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM;...

Đối tượng tham gia Hội thảo là các nghiên cứu viên trẻ, nhà khoa học, giảng viên trẻ và sinh viên của các trường, viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu, Các cơ quan, doanh nghiệp có quan tâm đến vấn đề phát triển công nghệ lõi, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, dữ liệu lớn…tại TPHCM và các tỉnh thành trong toàn quốc.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo khẳng định trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan diễn ra toàn diện mọi mặt đời sống, trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến sinh hoạt, học tập, làm việc và phát triển của thanh thiếu nhi. Công nghệ, các nền tảng số và năng lực số của công dân trở thành những nhân tố đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi công đồng và mỗi cá nhân. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng số trở thành lực lượng vô cùng quan trọng, có tính quyết định. Do vậy, việc đầu tư nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên, được rất nhiều nước quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, trở thành chiến lược quốc gia.

Về định hướng nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số của TPHCM giai đoạn 2021- 2025, TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành Uỷ viên - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM chia sẻ, TPHCM có chỉ đạo tái cấu trúc các chương trình khoa học công nghệ với mục tiêu tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp bách của Thành phố. Theo đó, chuyển đổi số có ba đặc trưng cơ bản, cái quan trọng nhất là đừng nói về trí tuệ nhân tạo, đừng nói về big data, đừng nói về các công nghệ, bởi vì việc đầu tiên của chuyển đổi số là thay đổi tư duy trong câu chuyện mô hình giải pháp mới tốt hơn gì so với tác động cũ. Tư duy thay đổi sẽ tạo ra những giá trị thật.

"Ví dụ về vấn đề an ninh trật tự, chúng ta mua rất nhiều camera giám sát, tốn rất nhiều tiền, chẳng lẽ một phòng cả ngàn màn hình theo dõi camera để chỉ có một vài người ngồi xem có ai vi phạm. Chúng ta có rất nhiều nghiên cứu về thuật nhận diện, nhưng vấn đề trạm thu phí không dừng vẫn chưa làm được câu chuyện đó như vậy có nghĩa là ứng dụng thực tiễn vẫn chưa được. Còn rất nhiều những câu chuyện cần phải nghiên cứu, để phát triển những giải pháp, giải quyết được những vấn đề thực tiễn.", TS. Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Việt Dũng cũng cho rằng, người làm nghiên cứu phải thay đổi tư duy để có thể xây dựng rõ ràng định hướng, tư duy của mình, giải quyết được vấn đề của TP, của cộng đồng chứ không chỉ đơn thuần dừng lại một điểm nhỏ trong nghiên cứu ứng dụng. Dư địa về chuyển đổi số trong khu vực công hiện nay đang rất lớn, chúng ta phải nghĩ bài toán tương đối lớn và phải quy động được nhiều nhóm cùng tham gia giải quyết.

TS. Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM lại gợi mở những vấn đề mang tính thực tiễn của chuyển đổi số. TS. Nguyễn Việt Dũng cho rằng, các bạn thanh niên trước hết phải trở thành công dân số, thích ứng với văn hóa số. Và có ba yếu tố của việc chuyển đổi số thành công: thứ nhất là xác định giá trị cốt lõi của tổ chức mình, không phải người lãnh đạo nào cũng có thể hiểu câu chuyện chuyển đổi số ở tổ chức mình; thứ hai là tinh thần đổi mới sáng tạo; và thứ ba là phải xây dựng một kế hoạch có bước triển khai.

Ở thời điểm dịch Covid 19 chúng ta có khoảng 20 ứng dụng trên thiết bị di động liên quan đến dịch Covid 19 nhưng hiệu quả thì rất thấp, đấy là phản ảnh rất rõ về câu chuyện thiếu những ứng dụng thực sự có giá trị. Để đồng bộ trong câu chuyện chuyển đổi số là cả một vấn đề và không hề đơn giản.

Trong khi đó,báo cáo Giáo dục đại học về kỹ năng số cho sinh viên trong xã hội hiện đại của TS. Nguyễn Thị Mai Hương, giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM lại mang đến góc nhìn về sự nhận biết của mỗi người tạo nên nhận thức. Các bạn sinh viên ngày nay rất hay ngộ nhận, cứ nghĩ là khi có chứng chỉ đó tức là có kĩ năng thật. Những kiến thức có được phải là những trải nghiệm trong thực tế.

Về đề xuất chính sách chuyển đổi số cho thanh niên Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Minh Nhựt mong rằng, chuyển đổi số về giáo dục phải là lĩnh vực đi trước và tiên phong, đào tạo nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Từ đây, vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị xã hội có vai trò chăm lo và hỗ trợ cho thanh niên, thời gian tới hy vọng sẽ tổ chức đến các bạn thanh niên về các cuộc thi về chuyển đổi số, các chương trình trang bị kỹ năng số cho đoàn viên thanh niên dưới các hình thức như tọa đàm, tập huấn, hội thảo. Khuyến khích phong trào thanh niên đổi mới sáng tạo.

"Chúng tôi mong muốn có diễn đàn về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hướng đến các bạn đoàn viên ở khu vực công nhằm giúp công chức, viên chức trẻ TP và cả nước nói chung để có thể tìm kiếm giải pháp, nâng cao sức làm việc hiệu quả để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp.", Thạc sĩ Nguyễn Minh Nhựt kỳ vọng.

 (Nguồn: toquoc.vn)

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây