Đề nghị các tỉnh ưu tiên nguồn lực để kết nối với CSDL quốc gia về dân cư
Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư - một trong những CSDL quốc gia quan trọng tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, đã được Bộ Công an khai trương ngày 25/2 và dự kiến sẽ đưa vào vận hành, khai thác chính thức trên diện rộng từ ngày 1/7 tới.
Hệ thống này được thiết kế để kết nối, cho phép các hệ thống thông tin khác khai thác thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) do Bộ TT&TT quản lý và Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, sẽ tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT của các CSDL chuyên ngành.
Để triển khai kết nối trên diện rộng CSDL về dân cư được đồng bộ, kịp thời, hiệu quả ngay từ ngày 1/7/2021, Bộ TT&TT vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung công việc.
Về kết nối kỹ thuật, các tỉnh cần rà soát kết nối Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh - LGSP với các ứng dụng trong nội bộ thông qua mạng WAN hoặc mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh và với nền tảng NGSP thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, với thời gian hoàn thành là ngày 16/5.
Ngày 16/5 cũng là thời hạn các địa phương sẽ hoàn thành thử nghiệm kết nối LGSP của tỉnh với nền tảng NGSP để khai thác CSDL quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.
Nhấn mạnh công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT cũng đề nghị các tỉnh rà soát, triển khai hoạt động giám sát, điều hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin của tỉnh phục vụ kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư.
Cũng để chuẩn bị cho việc kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư, thời gian sắp tới, các địa phương còn cần ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện phần mềm Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.
Đồng thời, thử nghiệm kết nối với LGSP của tỉnh để khai thác CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trước hết, ưu tiên triển khai cho 236 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, có nhu cầu khai thác dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư. Nhiệm vụ này có thời hạn hoàn thành là ngày 15/6.
Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến
Theo danh mục 236 dịch vụ công trực tuyến ưu tiên kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư đã được thống nhất, có 183 dịch vụ cấp tỉnh, 36 dịch vụ cấp huyện và 17 dịch vụ cấp xã.
Bộ TT&TT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao Sở TT&TT là đơn vị đầu mối tổ chức, điều phối thống nhất triển khai các nhiệm vụ trên tại địa phương.
Khẳng định Bộ sẽ tập trung phối hợp, hỗ trợ các tỉnh kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT cũng cho biết đã giao Cục Tin học hóa là đầu mối tổ chức, phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung theo tiến độ đề ra.
Theo Bộ TT&TT, một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất của phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là tỷ lệ dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức 4. Đến hết năm 2020, tỷ lệ trung bình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp đạt khoảng 31%, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết 17 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa cao, người dân vẫn phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần, thủ công. Để có thể nâng cao chất lượng xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, theo hướng lấy người dân làm trung tâm, cần thiết phải kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư nhằm tự động hoá việc xác minh, điền thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành thử nghiệm kết nối CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của 4 địa phương gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.
Kinh nghiệm kết nối thử nghiệm là cơ sở để kết nối chính thức, trên diện rộng thời gian tới. Việc kết nối với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương phải thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đồng thời tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.
(Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn)