(TTCNTT) - Chuyển đổi số quốc gia là một chương trình lớn đã được thể hiện bằng quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các lĩnh vực như khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, văn hoá, thể thao, du lịch, nông nghiệp, nông thôn được coi là đối tượng chính để triển khai và thụ hưởng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tiên phong trong chương trình đó, đoàn thanh niên đã khẩn trương bắt tay vào triển khai. Theo đó, nhân dịp ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP-world-day), tại Bộ Khoa học và Công nghệ, 4 đoàn thanh niên của 4 bộ (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đã lên kế hoạch tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số và khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP” với các nội dung hấp dẫn, thu hút lực lượng thanh niên ở các bộ, ngành và các địa phương tham gia, tạo sự đột phá cho việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Chương trình là hoạt động nhằm thúc đẩy sự hợp tác, gắn kết trong phát triển công tác Đoàn và phong trào thanh niên giữa 4 bộ và Đoàn Thanh niên 3 địa phương: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh. Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, chuyển giao công nghệ chuyển đổi số về các địa phương rồi từ đó nhân rộng ra toàn quốc.
Đồng hành với chương trình là Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cộng đồng (TOTA R&D) và Công ty DUCAPITAL Hoding, một doanh nghiệp khoa học công nghệ trong việc chuyển đổi số cho ngành giáo dục với hệ sinh thái gồm đèn học thông minh (The Smart LIGHT), phòng học thông minh (SmartROOM) và mạng lưới gia sư thông minh (uTEACHER). Hội thảo sử dụng nền tảng công nghệ SmartROOM để tổ chức 5 điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc.
Chương trình hội thảo tập trung chia sẻ và thảo luận về 03 nhóm nội dung chính như: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vai trò của sở hữu trí tuệ và thúc đẩy chuyển đổi số; Thực trạng chuyển đổi số trong du lịch; Xã hội thông minh - Câu chuyện chuyển đổi số và cách làm mới trong phát triển kinh tế nông thôn; Câu chuyện chuyển đổi số: Phát triển du lịch và sản vật tại địa phương; Câu chuyện chuyển đổi số tại doanh nghiệp cụ thể…
Cùng với sự vào cuộc của đoàn thanh niên các bộ ngành, cuộc hội thảo sẽ có sự tham gia của lãnh đạo, các cơ quan của các bộ: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông và các ngành liên quan. Hội thảo sẽ được thực hiện theo hình thức cầu truyền hình và trực tiếp tại điểm cầu trung tâm: Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, số 113 Trần Duy Hưng, Quận Cầu Giấy Thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 8h30 - 11h30 thứ Bảy, ngày 24 tháng 04 năm 2021.
Với các địa phương, Đoàn TNCS tỉnh Bắc Giang, tỉnh được coi là “miền hoa thơm trái ngọt”, Bắc Giang hiện có rất nhiều sản phẩm OCOP rất cần được chuẩn hóa, nhân rộng để cung cấp cho thị trường trong cả nước và nước ngoài, việc số hóa các sản phẩm là rất cần thiết, không chỉ làm cho cả nước biết đến Bắc Giang mà hơn thế, có thể mở rộng thị trường tiêu thụ cho nhiều sản phẩm danh tiếng của Bắc Giang như Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rượu men lá Sơn Động…
Với Đoàn TNCS tỉnh Quảng Ninh trong nhiều năm qua đã tập trung triển khai có hiệu quả các phong trào hành động Đoàn, nhiều nội dung được tập trung chỉ đạo thực hiện có chiều sâu, có nhiều giải pháp sáng tạo, đặc biệt trong công tác huy động nguồn lực đảm nhận, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là kết hợp cụ thể giữa hoạt động du lịch và OCOP, nhiều tổ chức Đoàn tại cơ sở địa phương đã phát huy lợi thế sẵn có của tỉnh được ví “Quảng Ninh như một Việt Nam thu nhỏ”.
Với lãnh đạo tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc tỏ ra rất hào hứng: Đây là lần đầu tiên tỉnh Đoàn tham gia một cuộc hội thảo theo phương thức mới. Chúng tôi sẽ mời lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các đoàn viên đam mê công nghệ. Điều quan trọng nữa là thông qua ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi sẽ sàng lọc, tiếp thu để phối hợp, triển khai nhân rộng kiến thức sau hội thảo đến đông đảo đoàn viên, thanh niên của tỉnh.
Sau nhiều năm đổi mới mở cửa, dẫu đạt được nhiều thành tựu nhưng Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp. Khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc. Nông nghiệp hiện chỉ chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, vẫn là khu vực nghèo nhất. Nguyên nhân chính là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Một cán bộ đoàn của Vĩnh Phúc cho biết: Hy vọng chuyển đổi số sẽ khắc phục triệt để tồn tại này. Nếu như khoán sản phẩm là mô hình có tính đột phá ở Vĩnh Phúc hơn nửa thế kỷ trước, hy vọng nay việc chuyển đổi số sẽ góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng để tạo nên đột phá phát triển. Trong công cuộc đó, Đoàn thanh niên đang tiên phong trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đăng ký tham dự Hội thảo theo link: https://forms.gle/3yMonT1GucRvzKWA9
Theo thanhnienviet.vn
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)