Phát triển Chính phủ số Việt Nam giai đoạn mới
Ngày 6/8, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị tham vấn doanh nghiệp về Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2020 và triển khai xây dựng Chính phủ số - một trong ba trụ cột của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Dự thảo Chiến lược đã được Bộ TT&TT xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong nước, quốc tế và đang được hoàn thiện.
Dự thảo Chiến lược xác định tầm nhìn phát triển Chính phủ số Việt Nam đến năm 2030: “Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết Chính phủ số với kinh tế số, xã hội số, giúp Chính phủ có năng lực phục vụ và kiến tạo với mức độ cá thể hóa theo nhu cầu của người dùng và doanh nghiệp, dựa trên phân tích dữ liệu để đổi mới quản trị hành chính công”.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, trong dự thảo Chiến lược, Bộ TT&TT xác định việc xây dựng, phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia theo các quan điểm: Chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số; cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, các công nghệ số để ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, tạo nền tảng, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia;
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước; hình thành văn hoá số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số;
Kết hợp hài hòa mô hình tập trung và phân tán; tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; các nền tảng dùng chung cho Chính phủ số phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung sau đó nhân rộng; phát triển các nền tảng theo hướng dịch vụ có thể sử dụng tại mọi nơi, không phân biệt cấp chính quyền; Dữ liệu cần được quản lý như là tài nguyên quan trọng, được chia sẻ một cách tối đa trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
Mục tiêu kép là gắn phát triển Chính phủ số với phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ các công nghệ lõi, làm chủ các nền tảng mở phục vụ Chính phủ số; các doanh nghiệp có thể tham gia quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công.
Cùng với đó, dự thảo Chiến lược cũng đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai để phát triển Chính phủ số Việt Nam trong giai đoạn mới.
Doanh nghiệp, hiệp hội đánh giá cao dự thảo Chiến lược
Tại hội nghị, đại diện Viettel Solutions, VNPT-IT, VietnamPost, FPT IS, CMC cùng đại diện các hội, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT như Hội Tin học Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) đều cho rằng việc xây dựng Chiến lược là cần thiết và định hướng phát triển Chính phủ số phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở (VFOSSA) đánh giá, dự thảo Chiến lược có định hướng rõ ràng, theo xu hướng phát triển của thế giới là phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ trong thời đại 4.0.
Có cùng quan điểm với đại diện VFOSSA, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, dự thảo Chiến lược rất chi tiết và có trọng tâm về mặt kế hoạch hành động. Đặc biệt, Chiến lược có những điểm đột phá để tiếp cận xu hướng quản trị công chung của thế giới.
“Chẳng hạn như quan điểm cá nhân hóa dịch vụ công phục vụ trực tiếp theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp là điểm tôi nghĩ rất tiến bộ, các nước phát triển trên thế giới cũng đang đi theo xu hướng này để thực hiện”, ông Đồng dẫn chứng.
Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long cũng khẳng định: Việc Bộ TT&TT xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là rất quan trọng và đúng hướng. Theo ông, một điểm nổi bật của dự thảo Chiến lược là đã đưa ra vai trò tham gia tích cực của doanh nghiệp, gắn kết doanh nghiệp công nghệ số với chương trình và có những đột phá như giao doanh nghiệp thực hiện những công việc mà trước chỉ nhà nước làm.
Ông bày tỏ mong muốn Chiến lược này sớm được hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành để thực hiện bước đầu tiên trong quá trình thay đổi nhận thức, chuyển đổi phương thức điều hành quốc gia từ môi trường truyền thống, môi trường ứng dụng tin học sang môi trường số và hướng tới quốc gia số.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội nghị tham vấn, các đại biểu đã nêu ý kiến đóng góp để góp phần hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số, cụ thể: Cân nhắc, xem xét các mục tiêu để đảm bảo tính khả thi; Quan tâm đến việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đánh giá các phần mềm ứng dụng khi đưa vào thực tế; Hoàn thiện môi trường pháp lý, đơn giản hóa thủ tục để các doanh nghiệp có thể đồng hành cùng cơ quan nhà nước trong các dự án phát triển Chính phủ số.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất dự thảo Chiến lược cần nhấn mạnh hơn đến việc sử dụng dữ liệu để ra các quyết định điều hành, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; Quy định cụ thể việc địa phương cần dành tối thiểu 1% ngân sách chi thường xuyên để dành cho hoạt động ứng dụng CNTT; Bổ sung giải pháp xây dựng kho phần mềm phục vụ Chính phủ số dùng chung ở quy mô quốc gia…
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)