Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến trẻ em
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn thế giới. Theo kết quả khảo sát do Nielsen thực hiện với sự tham gia của hơn 9.100 người ở Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh và Mỹ về mức độ sử dụng, thói quen thanh toán và sở thích truyền thông trong giai đoạn đại dịch, khoảng 80-90% người tiêu dùng dành 24 giờ để đọc, xem hoặc nghe tin tức và giải trí mỗi tuần. Gần 60% người dùng đã đăng ký dịch vụ truyền thông (miễn phí hoặc trả phí) và trung bình có 7 dịch vụ truyền thông bao gồm video, thể thao, chơi game, âm nhạc, podcast (các tập tin âm thanh hoặc video số có thể tải về và nghe), tin tức và blog.
Nhu cầu giữ liên lạc với bạn bè và gia đình cũng tăng cao trong bối cảnh đại dịch bùng phát và đã thúc đẩy sự tham gia của các phương tiện truyền thông xã hội. Facebook, WhatsApp, Messenger, Instagram, TikTok, Snapchat và Twitter đều phá vỡ kỷ lục về thời gian sử dụng ứng dụng trên toàn cầu vào tháng 3/2020. Việc đăng ký các dịch vụ hội nghị truyền hình cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Reuters, số người dùng nền tảng Zoom đã tăng lên hơn 200 triệu vào tháng 3/2020.
Để đối phó với dịch bệnh, các quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp như ban bố lệnh phong tỏa và cấm đi lại, đóng cửa trường học và giữ khoảng cách khi giao tiếp nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Điều đó đã khiến cho nhiều người chuyển sang các công cụ số (online) để cố gắng duy trì nhịp sống thường ngày. Phần lớn các hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí, kinh doanh được chuyển sang nền tảng trực tuyến suốt thời dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, để đối phó với dịch bệnh, hàng tỷ trẻ em buộc phải rời khỏi sân chơi và trường học, ở trong nhà nhiều ngày. Hàng triệu trường học trên khắp thế giới phải đóng cửa.
Việc thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội trên toàn thế giới, cùng với việc chuyển đổi sang các hình thức trực tuyến đã gây ra nhiều tác động tiềm ẩn đối với trẻ em. Ngày 7/4 /2020, báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhấn mạnh trẻ em có nguy cơ chịu tác hại trực tuyến cao hơn trong đại dịch COVID-19 toàn cầu.
TS. Howard Taylor, Tổng Giám đốc Điều hành Hợp tác Toàn cầu Chấm dứt Bạo lực nhận định: "Đại dịch do virus corona gây ra dẫn đến tăng thời gian người sử dụng nhìn vào màn hình các thiết bị hơn bao giờ hết. Trường học đóng cửa, các biện pháp cách ly nghiêm ngặt khiến cho ngày càng nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ và các giải pháp số để duy trì việc học tập của con cái, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài, nhưng không phải trẻ em nào cũng có kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để bảo vệ bản thân an toàn trên mạng".
Hơn 1,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi việc trường học đóng cửa trên toàn thế giới. Nhiều học sinh giờ đây học tập cũng như giao lưu nhiều hơn trên mạng. Giành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ em dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt vì những kẻ xấu đang tìm cách lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, việc thiếu giao tiếp trực tiếp với bạn bè và bạn trai/bạn gái có thể dẫn đến những hành vi có nguy cơ cao như gửi hình ảnh gợi tình, trong khi đó tăng thời gian lên mạng không kiểm soát có thể khiến trẻ em tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực cũng như tăng nguy cơ bị bắt nạt trên mạng.
Bảo vệ trẻ em trực tuyến - Những khuyến cáo
Vào ngày 13/4/2020, Liên minh Toàn cầu WeProtect đã đưa ra một bản tóm tắt về các mối đe dọa tiềm ẩn đối với trẻ em trong đại dịch Covid-19. Theo đó, sự bùng nổ của các công nghệ trực tuyến dường như khiến trẻ em phải đối mặt với những mối đe dọa và nguy cơ mới. Việc giãn cách xã hội và đóng cửa trường học sẽ khiến trẻ em chịu một loạt các tác động, bao gồm việc gia tăng lạm dụng và khai thác tình dục trẻ em trực tuyến.
Trong khi trọng tâm hiện tại của các chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật là kiểm soát dịch bệnh COVID-19, dẫn đến mức độ ưu tiên thấp hơn đối với việc xử lý các vấn đề liên quan tới khai thác tình dục trẻ em trực tuyến.
Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em xác định rằng trẻ em có quyền được an toàn trước bạo lực (Điều 19) và quyền giáo dục (Điều 28).
Tổng Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore: Trong đại dịch COVID-19, cuộc sống của hàng triệu trẻ em đang tạm thời bó hẹp trong gia đình và màn hình. Chúng ta cần hỗ trợ trẻ em thích ứng với thực tế mới này”.
Tổng Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore, nhận định: "Chúng ta cần kêu gọi các chính phủ và ngành công nghệ thông tin truyền thông chung tay đảm bảo an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên trên mạng bằng việc tăng cường tính năng đảm bảo an toàn và các công cụ mới giúp cha mẹ và giáo viên có thể dạy cho con và học sinh sử dụng internet một cách an toàn".
UNICEF đã đưa ra những khuyến cáo hành động cho chính phủ, các ngành công nghiệp, trường học và phụ huynh nhằm giảm thiểu nguy cơ trên mạng đối với trẻ em trong đại dịch COVID-19 bao gồm:
Chính phủ: Đẩy mạnh các dịch vụ bảo vệ trẻ em chủ chốt, đảm bảo các dịch vụ này vẫn mở cửa và hoạt động xuyên suốt đại dịch, tập huấn cho các cán bộ y tế, giáo dục, cán bộ xã hội về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe và tinh thần của trẻ em, kể cả những nguy cơ tăng cường trên mạng; tăng cường các sáng kiến nâng cao nhận thức và giáo dục về an toàn cho trẻ em trên mạng, đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ xã hội, trường học, cha mẹ và trẻ em biết về các cơ chế báo cáo ở địa phương và số điện thoại các đường đây hỗ trợ và đường dây nóng.
Ngành công nghệ thông tin bao gồm các nền tảng xã hội: Đảm bảo các nền tảng mạng tăng cường các biện pháp bảo vệ và an toàn, đặc biệt là các công cụ học tập trên mạng, giáo viên, cha mẹ và trẻ em dễ dàng tiếp cận với các công cụ này; thúc đẩy và hỗ trợ các dịch vụ chuyển tuyến đảm bảo an toàn cho trẻ em và đường dây điện thoại trợ giúp; xây dựng các chính sách tiêu chuẩn phù hợp với quyền trẻ em; sử dụng các tính năng bảo vệ sẵn có đồng thời đổi mới sáng tạo một cách phù hợp, cung cấp kết nối mạng Internet để cải thiện tiếp cận của những trẻ em thiệt thòi từ các hộ gia đình thu nhập thấp.
Trường học: Cập nhật các chính sách bảo vệ hiện hành để phù hợp với thực tế mới là học từ nhà của trẻ em; khuyến khích và theo dõi những hành vi tốt trên mạng và đảm bảo trẻ em vẫn tiếp cận được với các dịch vụ tham vấn của trường học
Cha mẹ: Đảm bảo các thiết bị của con được cập nhật phiên bản mới nhất và có các chương trình chống virus; chia sẻ cởi mở với con về cách giao tiếp trên mạng, giao tiếp như thế nào, với ai; cùng con xây dựng những nguyên tắc khi dùng internet, dùng như thế nào, khi nào, những kênh nào.
Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý đến những dấu hiệu lo lắng của trẻ khi sử dụng mạng, đảm bảo con mình biết các chính sách về nhà trường và cơ chế báo cáo ở địa phương, có các số điện thoại của đường dây điện thoại hỗ trợ và đường dây nóng.
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)