Tại phiên họp, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT, thường trực của Ban soạn thảo đã báo cáo các công việc đã thực hiện sau Phiên họp thứ nhất.
Theo đó, Thường trực Ban soạn thảo đã chủ trì cuộc họp với Cục Trẻ em- Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an và các chuyên gia, tổ chức quốc tế như UNICEF Việt Nam, ChildFund, MSD, Microsoft Việt Nam, World Vision, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, các bộ ngành, địa phương… để xin ý kiến về Đề án. Tới thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã nhận được ý kiến bằng văn bản của 21 cơ quan, tổ chức. Thường trực Ban soạn thảo cũng đã chủ trì, phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo xin ý kiến rộng rãi về Đề án.
Trong đầu tháng 6/2020, Cục Trẻ em đã chủ trì, phối hợp với Cục ATTT cùng một số tổ chức trong nước và quốc tế (MSD, ChildFund, World Vision) tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 1.025 trẻ em tại 20 tỉnh, thành phố về các nội dung liên quan của Đề án.
Trong khuôn khổ "Tháng hành động vì trẻ em" năm 2020, dự kiến ngày 27/6/2020, Cục ATTT sẽ chủ trì, phối hợp với Cục Trẻ em, UNICEF Việt Nam, MSD và Sở GD&ĐT TP. Hà Nội tổ chức chương trình tham vấn trẻ em về nội dung Đề án kết hợp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về các nguy cơ, rủi ro cũng như các kỹ năng cơ bản tham gia môi trường mạng an toàn cho học sinh, giáo viên và đại diện phụ huynh học sinh tại Trường tiểu học và THCS Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Cục ATTT cũng thông tin về việc Đề án tiếp tục giữ nguyên phạm vi, đối tượng trẻ em nói chung bởi theo báo cáo của Đoàn giám sát tối cao trình Quốc hội tại kỳ họp 9 Khóa XIV vừa qua, hiện tại Việt Nam có 24 triệu trẻ em, trong đó có 8,3% trẻ em trong độ tuổi phổ thông không được đi học. Do đó, việc thu hẹp phạm vi Đề án theo hướng chỉ bao gồm đối tượng là trẻ em trong các cơ sở đào tạo, chăm sóc trẻ sẽ để ngoài một số lượng lớn trẻ em (ước tính quãng 1,5 - 1,7 triệu) không được bảo vệ.
Đề án cũng sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên, các hội viên, đoàn viên trong hệ thống tổ chức mình tham gia vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trên môi trường mạng.
Đề án cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương triển khai các chương trình giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
UBND các cấp được đề nghị chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc nhằm nâng cao nhận thức và từng bước trang bị kỹ năng số cho trẻ em trên địa bàn, tổ chức các lớp dạy kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ và trẻ em ngoài trường học trên địa bàn có nhận thức và kỹ năng cơ bản tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Các DN cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng, DN cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến được khuyến khích tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thông qua các giải pháp công nghệ.
Ngoài ra, sẽ xây dựng các chương trình đào tạo dành cho đối tượng trẻ em không đến trường học, phát triển hình thức giáo dục tuyên truyền cho đối tượng này thông qua hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ dân phố, trung tâm tư vấn.
Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo
Theo Cục ATTT, thời gian qua Cục đã làm việc với các hội, hiệp hội và DN, chuyên gia trong và ngoài nước. Theo đó, một trong các nội hàm của việc hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là việc trang bị "bộ kỹ năng số" cho trẻ em theo từng độ tuổi để trẻ biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.
Đề án đặt mục tiêu tạo lập Hệ sinh thái sản phẩm, ứng dụng Việt có ít nhất 15 sản phẩm dịch vụ công nghệ đáp ứng 100% nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng; trong đó, có các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ trẻ em học tập, tương tác sáng tạo trên môi trường mạng được áp dụng rộng rãi tại các trường học, cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em.
Để thực hiện mục tiêu này cần tạo đầu ra cho thị trường các sản phẩm, dịch vụ thông qua các giải pháp như: Giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan xây dựng bộ tiêu chí, tổ chức đánh giá và công bố các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông đạt yêu cầu trong việc hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.
Các Bộ, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan xây dựng bộ tiêu chí, tổ chức đánh giá và công bố các sản phẩm, dịch vụ CNTT và truyền thông đạt yêu cầu sử dụng, nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác đào tạo, việc học và dậy học.
Đề án cũng sẽ huy động sự tham gia của các hội, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT-TT như Hiệp hội ATTT Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam… trong việc vận động DN hội viên phát triển sản phẩm, dịch vụ bảo đảm ATTT cho trẻ em trên môi trường mạng định kỳ tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, DN, cá nhân có đóng góp lớn cho công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.
Tại phiên họp, đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá cao về các nội dung đóng góp ý kiến đã được thường trực Ban soạn thảo tiếp thu.
Về nội dung Bộ GD&ĐT chủ trì nghiên cứu xây dựng, đưa vào chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa bộ môn CNTT "bộ kỹ năng số cơ bản" cho trẻ em theo độ tuổi gồm một số nội dung, kỹ năng như: kiến thức về mạng Internet, mạng xã hội; kỹ năng bảo đảm ATTT tối thiểu… Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết sẽ lồng ghép các nội dung này vào các chương trình học.
Trước ý kiến của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã thống nhất ý kiến nên lồng ghép các kỹ năng số vào những chương trình giáo dục trong các nhà trường.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết đây là phiên họp 2 của Ban soạn nhưng qua quá trình làm việc vừa qua, Dự thảo Đề án đã được các bên thẩm định kỹ, thường trực Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đánh giá kỹ, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng Đề án như làm việc với các bên liên quan, tổ chức các Hội thảo với các nội dung liên quan và sẽ tiếp tục trong cuối tháng này.
Thứ trưởng khẳng định Đề án có những nội dung mới, trách nhiệm của các Bộ, ngành tham gia Ban soạn thảo là rất cao và tin tưởng với sự phối hợp chặt chẽ như vậy Đề án sẽ sớm được trình Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng yêu cầu thường trực Ban soạn thảo xem xét Nghị quyết của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Thứ trưởng cũng đề nghị thường trực Ban soạn thảo tiếp tục tham khảo, tiếp thu các ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện Dự thảo Đề án và bổ sung Phụ lục giao nhiệm vụ các nội dung liên quan của các Bộ ngành và có thời hạn cụ thể.
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)