Các kết quả phát triển chính của 6 lĩnh vực TT&TT trong quý II
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong quý II/2020, Bộ TT&TT đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành thực hiện có hiệu quả, toàn diện các kế hoạch, chương trình công tác đã đề ra.
Lĩnh vực bưu chính, Bộ TT&TT đã công bố nền tảng mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode), đánh dấu việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số V-Map được Quốc hội giao tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV...
Bộ TT&TT đã cấp 20 giấy phép bưu chính, ban hành các quyết định thuộc lĩnh vực, trong đó phải kể đến Kế hoạch triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-BTTTT ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích năm 2020.
Các bộ tem bưu chính đáng chú ý đã được phát hành như: "Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam", "Chiến thắng Bạch Đằng (1288)"; "Kỷ niệm 150 năm sinh V⋅I⋅Lê-nin (1870-1924)"; "Chung tay phòng, chống dịch COVID-19", "Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/51890 – 19/5-2020)", "50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh (1970-2020.
Trong lĩnh vực Viễn thông, Bộ TT&TT và 63 Sở TTTT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hiện đang phối hợp triển khai Biên bản hợp tác số 01/BB-BTTTT-BGDĐT ngày 26/3/2020 giữa Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phòng chống, dịch bệnh Covid-19 và đẩy nhanh chuyển đổi số.
Bộ đã chỉ đạo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham vấn doanh nghiệp, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G/5G, đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối từ 2G sang điện thoại thông minh 4G với mục tiêu sớm dừng công nghệ 2G để triển khai các công nghệ băng rộng di động thế hệ mới. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc lắp đặt, xây dựng trạm BTS trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung trong việc triển khai thí điểm dịch vụ mobile money (văn bản số 1634/BTTTT-CVT ngày 05/5/2020).
Bộ TT&TT yêu cầu các DN di động tiếp nhận và xử lý 9.761 khiếu nại của người dân liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, giải quyết các vướng mắc khó khăn cho hơn 60 tổ chức, cá nhân về xác định sản phẩm hàng hóa…
Lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia 2025, định hướng 2030; Phương án phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) theo Nghị quyết số 17/NQ-CP; Hướng dẫn các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các mô hình ứng dụng CNTT, chia sẻ dữ liệu.
Đồng thời phát triển, vận hành Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT; Xây dựng báo cáo công bố xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT của các cơ quan Trung ương, địa phương năm 2019: đang tiến hành rà soát số liệu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Y tế và các DN công nghệ số để đẩy nhanh xây dựng và đưa vào sử dụng các giải pháp CNTT phòng, chống dịch Covid-19...
Lĩnh vực ATTT, trong 5 tháng đầu năm, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục ATTT) ghi nhận 1.495 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (701 cuộc Phishing, 498 cuộc Deface, 296 cuộc Malware), giảm 43,90% so với cùng kỳ 05 tháng đầu năm 2019. Bộ TT&TT chỉ đạo Cục ATTT chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; tăng cường công tác giám sát, điều hành các nhà mạng phát hiện, ngăn chặn.
Lĩnh vực Công nghiệp ICT, tổng doanh thu công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử, viễn thông (Nội địa, FDI) ước tính 24,5 tỷ USD, tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ trong đó doanh thu từ khối FDI đạt 23,3 tỷ chiếm 95% tổng doanh thu. Số lượng DN CNTT, điện tử viễn thông (Nội địa, FDI): Ước tính 40.000 DN trong đó có 650 DN FDI chiếm 1,6%.
Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, đặc biệt chỉ đạo các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026; Năm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN, với phương châm "Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực".
Trong quý, công tác đấu tranh, đàm phán yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới như Google, Facebook, Apple được tăng cường để thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc trên nền tảng của các doanh nghiệp này.
Các Bộ ngành hoàn thành 100% chiến lược chuyển đổi số
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về các nội dung cần tập trung thúc đẩy trong thời gian tới.
Cụ thể, về thúc đẩy ứng dụng CNTT ở các Bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng cho biết các Sở TT&TT, các Cục CNTT có trách nhiệm tác động người đứng đầu để thúc đẩy ứng dụng.
Cơ quan chuyên trách ứng dụng CNTT phải dùng công nghệ để giải quyết các bài toán khó của mình. Theo đó, Cơ quan chuyên trách nên đặt đề bài còn lời giải để cho các DN công nghệ, đồng thời phải tăng cường dùng nền tảng Việt Nam.
Về lĩnh vực Bưu chính, Bộ trưởng yêu cầu cần phải hoàn thiện mã địa chỉ bưu chính. Vụ Bưu chính chỉ đạo các Sở kiểm tra độ chính xác, mục tiêu về tỷ lệ đến hộ gia đình và một số vấn đề khó khăn liên quan.
"Mã địa chỉ bưu chính là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện TMĐT và phải bảo mật", Bộ trưởng yêu cầu.
Về viễn thông, Bộ trưởng yêu cầu các Sở TT&TT phải lập kế hoạch phủ sóng 5G tại các khu công nghiệp, khu CNTT tập trung. Các Sở xem khu công nghiệp nào cần phủ sóng 5G trong năm 2020, khu nào phủ sóng vào năm 2021, 2022 để đón làn sóng đầu tư mới. Các Sở phải lập kế hoạch ngay từ năm nay. Tháng 6 này, các thiết bị 5G được lắp trên mạng lưới. Tháng 10 sẽ 5G thí điểm thương mại hoá.
Đối với SIM rác, các Sở TT&TT phải xử lý rất mạnh tay, vừa qua đã thực hiện thanh tra toàn quốc, Bộ trưởng đã có nhắc nhở đến từng doanh nghiệp.
Đối với mobile money, Bộ TT&TT có một yêu cầu rất quan trọng là phải định danh được số điện thoại mới cấp phép cung cấp dịch vụ.
Các Sở TT&TT cần coi xây dựng hạ tầng bưu chính viễn thông (BCVT) là công việc của mình và đứng ra hỗ trợ các DN. Các Sở cần lập kế hoạch phát triển mạng lưới BCVT cho năm nay và sang năm. Bộ sẽ hướng dẫn chi tiết và các Sở chỉ phải thực hiện.
Về tin học hoá, trong quý III, các Sở TT&TT nên khuyến nghị tỉnh xây dựng chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Cục Tin học hóa sẽ ban hành mẫu hướng dẫn cho các Sở. Các Bộ, ngành cũng phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số của ngành mình. Các cơ quan chuyên trách CNTT của các Bộ/ngành cần phải là đơn vị chủ trì xây dựng. Trong Quý III, các Bộ phải xây dựng xong chiến lược này. Cũng trong Quý này cần hoàn thành trục kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu
Về ATTT, Bộ trưởng yêu cầu: 100% Bộ ngành, tỉnh/thành có hệ thống bảo vệ 4 lớp trong Quý III, cố gắng làm trước Đại hội Đảng.
Về công nghiệp - CNTT, Vụ CNTT phải đề nghị các tỉnh/thành phải có lộ trình nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp CNTT để đón làn sóng đầu tư mới, tập trung hạ tầng viễn thông băng rộng, 5G. Một số địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải chuẩn bị đón đầu tư nước ngoài có giá trị cao.
Theo Bộ trưởng, muốn ứng dụng CNTT vào từng gia đình, hộ kinh doanh, bắt buộc phải có các DN số địa phương. DN số có khi chỉ cần đến 10 người, có thể triển khai công nghệ cho các hộ gia đình. Mục tiêu là phấn đấu phải có 1 DN/1000 dân.
Về báo chí - truyền thông, các Sở TT&TT phải lưu ý hoàn thành quy hoạch báo chí trong quý III. Các Sở phải phối hợp với Bộ để giám sát không gian mạng, tháo gỡ thông tin xấu độc, bảo vệ Đại hội Đảng các cấp, nhân sự trong quy hoạch, bao gồm cả các Bộ. Các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ/ngành cũng có trách nhiệm này. Các đơn vị phải phải có trách nhiệm rà quét không gian mạng để bảo vệ uy tín Bộ, lãnh đạo Bộ.
Covid-19 cũng cho thấy các Sở cần lưu ý các phương tiện truyền thông mới cũng rất hiệu quả, như nhắn tin qua mạng di động, mạng xã hội, mạng xã hội Việt Nam, hệ thống loa phường, loa xã.
Các Bộ, tỉnh đang xây dựng báo cáo chính trị cho Đại hội của Bộ, tỉnh. Theo đó, các cơ quan chuyên trách CNTT Bộ, ngành, địa phương gửi lấy ý kiến Bộ TT&TT. Việc này rất qua trọng để là sở cứ ngành phát triển trong 5 - 10 năm tới.
Chủ trương của Bộ TT&TT là nếu muốn có vị thế cao, Sở TT&TT các tỉnh phải nhận về mình nhiều việc khó. Việc hỗ trợ cho các đơn vị là trách nhiệm của Bộ TT&TT.
Các đơn vị thuộc Bộ sẽ hệ thống và xây dựng các bộ cẩm nang về từng lĩnh vực mà mình quản lý. Đây là một nhu cầu có thật của các Sở và là cách đào tạo tốt nhất.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm nay là 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu. 100% hệ thống thông tin của bộ, ngành và các tỉnh có bảo vệ 4 lớp. 100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng xong chiến lược chuyển đổi số. 100% các bộ, ngành, tỉnh thành có đóng góp của Sở, Cục và Bộ vào báo cáo chính trị nhiệm kỳ tới về lĩnh vực TT&TT. 100% các bộ, ngành, tỉnh thành hoàn thành quy hoạch báo chí trong năm nay.
100% các tỉnh và bộ có đầu mối làm việc với Cục ATTT (Bộ TT&TT) về việc tháo gỡ các thông tin xấu độc đối với đơn vị mình, tỉnh mình, bộ mình và đối với ngành này.
Giám đốc Sở TT&TT tại các địa phương và cơ quan chuyên trách CNTT của các Bộ thường xuyên liên lạc với Bộ TT&TT để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)